Trong bối cảnh phức tạp của dịch COVID-19, các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm và nông sản vẫn đang được ưu tiên kinh doanh và lưu thông giữa các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Lạng Sơn và Hà Tĩnh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Sendo… tiếp tục phối hợp đưa các sản phẩm nông sản vào mùa của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Tháng 8 là thời điểm vào mùa của một số loại nông đặc sản của địa phương. Điển hình là na Chi Lăng (Lạng Sơn) hay bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đều bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Thực tế cho thấy, đây là hai loại nông sản chủ lực của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và Chi Lăng (Lạng Sơn) được người tiêu dùng ưa chuộng nên sản lượng tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống cũng rất cao.
Tuy nhiên, việc thu mua và vận chuyển các nông đặc sản đang chậm lại, số lượng đặt hàng từ các thương lái cũng chưa nhiều như những năm trước do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố; các thị trường tiêu thụ chính như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP về giãn cách xã hội toàn thành phố.
Nhằm mở rộng thêm kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa ngoài kênh bán hàng truyền thống, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức kết nối, phối hợp cùng Sở Công Thương Lạng Sơn và Hà Tĩnh từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương này tiếp cận với sàn thương mại điện tử.
Nhờ vậy, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart đã triển khai ký kết với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), Hương Khê (Hà Tĩnh) sớm đưa hai sản phẩm nông đặc sản của hai địa phương này lên sàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng cả nước.
Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của người dân Hà Tĩnh, là loại quả quý, to, tròn đạt chất lượng vượt trội, có vị ngọt thơm đặc trưng, các tép bưởi mọng nước giòn tan, chua thanh dịu nhẹ. Thông qua các khâu kiểm soát chất lượng của sản thương mại điện tử Vỏ Sò, bưởi Phúc Trạch lên sàn đều đạt tiêu chuẩn VietGap, có xuất xứ rõ ràng.
Đối với sản phẩm Bưởi Phúc Trạch vào vụ được bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò sẽ có những ưu đãi riêng cho khách hàng khi đặt hàng như đồng giá vận chuyển 15 nghìn đồng cho đơn hàng tới 5kg, áp dụng vận chuyển tiêu chuẩn toàn quốc hay giảm 15 nghìn đồng/đơn hàng thanh toán bằng Vnpay.
Bên cạnh đó, dù phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19, việc thu hái và tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng về cơ bản diễn ra thuận lợi, giá cả giữ mức ổn định.
Để hỗ trợ nông dân Lạng Sơn tiêu thụ, đồng hành cùng chính quyền địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (chi nhánh Lạng Sơn) đã kịp thời tiến hành chương trình hướng dẫn các hộ gia đình kinh doanh na Chi Lăng đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò;
Tạo gian hàng trực tuyến trên sàn, hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử và cung cấp những thông tin về bán hàng trực tuyến hay các kỹ năng tự tổ chức bán hàng trên thương mại điện tử. Đối với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Chi Lăng sẽ được miễn phí mở gian hàng và phí duy trì khi tạo gian hàng trên Vỏ Sò.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các hợp tác xã hay hộ sản xuất kinh doanh trên kênh phân phối này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận công nghệ mới.
Do vậy, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò sẽ tổ chức thêm các hoạt động trực tiếp để phát triển hộ sản xuất một cách tốt nhất, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đến từng vườn, từng địa phương để hướng dẫn người dân những bước đầu đăng ký và sử dụng ứng dụng; tổ chức các buổi tập huấn online và offline đào tạo kiến thức marketing và bán hàng...
Ngoài ra, sàn thương mại Vỏ Sò còn lập các nhóm Zalo theo từng huyện để chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân từ việc xây dựng combo sản phẩm, thiết lập chiến lược giá đến việc truyền thông quảng cáo và hướng dẫn khâu hậu cần như đóng gói, lựa chọn khu vực giao hàng... để việc kinh doanh trên nền tảng số của các hợp tác xã, hộ nông dân tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh đạt hiệu quả cao nhất, từ đó có thể đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, sàn thương mại điện tử Sendo, Postmart cũng bắt đầu triển khai đưa na Chi Lăng hay bưởi Phúc Trạch lên sàn tiêu thụ.
Khách hàng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có thể trực tiếp truy cập vào các ứng dụng của sàn Vỏ Sò, Sendo và Postmart để đặt hàng.
Đặc biệt, các mặt hàng nông sản bưởi Phúc Trạch và na Chi Lăng đều được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển, đảm bảo hương vị tươi ngon của trái cây tươi, đặc biệt an toàn khi giao hàng đáp ứng đủ các quy tắc phòng, chống dịch và vận chuyển giữa các tỉnh, thành phố.
Như vậy, có thể thấy, việc kết nối, phối hợp giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các địa phương và các sàn thương mại điện tử trong thời gian qua nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ các nông đặc sản địa phương khi vào mùa thu hoạch qua sàn thương mại điện tử đã mang lại những kết quả tích cực và khả quan.
Cụ thể, sau Biên bản ký kết hợp tác hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn trong việc tổ chức hỗ trợ phân phối na qua kênh thương mại điện tử tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP (Mỗi xã phường một sản phẩm) của tỉnh Lạng Sơn cuối tháng 7 vừa qua đã có hàng trăm tấn na với hàng chục nghìn đơn hàng được tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử Voso và Postmart.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ngày 31/8 tới đây, hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch qua các kênh phân phối truyền thống và sàn thương mại điện tử.
Hội nghị do UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức sẽ là cơ hội để thương hiệu bưởi Phúc Trạch nổi tiếng đến với đông đảo người tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện cho việc mở rộng các kênh để tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống phân phối cũng như các sàn thương mại điện tử.

Nguồn: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN