Với thủ đô là Tunis, Tuy-ni-di có diện tích 163.610 km2, dân số khoảng 11,7 triệu người trong đó 98% là người Ả rập, 1% người châu Âu, 1% người Do Thái và các tộc người khác. Về tôn giáo, đạo Hồi chiếm 98%, Thiên chúa giáo 1% và các tôn giáo khác 1%. Tiếng Ả rập là ngôn ngữ chính thức, còn tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi trong ngoại giao và thương mại.
Về đối ngoại, Tuy-ni-di là thành viên của Liên hợp quốc và của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực như Khối Ả rập Maghreb (UMA), Liên minh châu Phi (AU), Phong trào không liên kết, Tổ chức thương mại quốc tế, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ…
Tuy-ni-di là quốc gia đầu tiên ở khu vực Địa Trung Hải đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) (ngày 17/7/1995), theo đó, Tuy-ni-di được hưởng những ưu đãi như Na Uy hay Ai Len.
Nền kinh tế nước này đa dạng với sự phát triển khá đồng đều cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong thập kỉ vừa qua, Nhà nước đã giảm sự can thiệp của mình vào các nền kinh tế với việc tư nhân hoá, đơn giản hoá các chính sách thuế khoá. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2019, GDP của Tuy-ni-di đạt 38,7 tỷ USD, GDP bình quân đầu người vào khoảng 3287 USD, tỷ lệ lạm phát là 6,1%. Nợ công chiếm đến 74,4% GDP nước này. Trong bảng xếp hạng Doing Business 2020, Tuy-ni-di đứng vị trí thứ 78 thế giới về chỉ số cạnh tranh.
Về công nghiệp, Tuy-ni-di có dầu lửa (trữ lượng 1,7 tỷ thùng), khí gas (trữ lượng 77,8 tỷ m3), phốt phát (sản xuất 1 triệu tấn năm, đứng thứ hai thế giới, sau Ma-rốc). Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản chính có dầu ô-liu, lúa mì, cam, chanh, nho, chà là... Ngành chăn nuôi của nước này tương đối phát triển. Về dịch vụ, du lịch là 1 trong những nguồn thu chính của Tuy-ni-di, đóng góp khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc dân. Tuy-ni-di sở hữu 1298 km bờ biển, là điểm đến ưa thích của du khách châu Âu, ngoài ra còn có các di tích khảo cổ nổi tiếng như Carthage, Bulla Regia, Dougga. Năm 2019, quốc gia Bắc Phi này đã đón 9,4 triệu khách du lịch, tăng 13,6% so với năm 2018 (trong đó 2,788 triệu khách châu Âu, 2,934 triệu khách An-giê-ri, 1,956 triệu khách Libi và 1,444 triệu người Tuy-ni-di ở nước ngoài).
Trong lĩnh vực ngoại thương, cán cân thương mại của Tuy-ni-di với thế giới bị thâm hụt ở mức cao. Năm 2019, Tuy-ni-di xuất khẩu khoảng 15,3 tỷ USD gồm các mặt hàng chính là dệt may, thiết bị máy, phốt phát, sản phẩm hoá học, nông sản, khí hydrocarbon, thiết bị điện... Các thị trường xuất khẩu chính là Pháp, Italia, Đức và Tây Ban Nha.
Tuy-ni-di nhập khẩu khoảng 22,13 tỷ USD với các mặt hàng như dệt may, máy móc thiết bị, hoá chất, thực phẩm, hydrocarbon... Các nước cung cấp chính cho Tuy-ni-di là EU, Trung Quốc, An-giê-ri, Thổ Nhĩ Kỳ…
EU là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Tuy-ni-di chiếm trên 85% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia Bắc Phi này với sự hiện diện của hơn 3000 doanh nghiệp châu Âu sử dụng trên 300.000 người.
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Tuy-ni-di
Việt Nam và Tuy-ni-di thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/12/1972. Hiện nay, Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Tuy-ni-di.
Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến thăm và làm việc tại Tuy-ni-di. Gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã dẫn đầu đoàn công tác sang Tuy-ni-di dự Kỳ họp Uỷ ban liên Chính phủ giữa hai nước từ 24-28/4/2018.
Việt Nam và Tuy-ni-di đã ký các điều ước như Hiệp định thương mại (18/05/1994), Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kĩ thuật (06/05/1999), Hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiêp (12/10/2002), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch, Nghị định thư về tham khảo ý kiến giữa 2 Bộ Ngoại giao (2007), Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế thu nhập (04/2010).
Trong cán cân thương mại song phương thời gian qua, Việt Nam thường xuất siêu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 36,2 triệu USD, trong đó ta xuất 21,4 triệu USD chủ yếu là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hải sản, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dao cạo râu, vải sợi... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt 14,78 triệu USD chủ yếu gồm hải sản, hoá chất, máy móc thiết bị, chất dẻo, hàng dệt may, thức ăn gia súc và nguyên liệu, linh kiện ô tô…
Một số điều cần biết khi thâm nhập thị trường Tuy-ni-di
Chính sách ngoại thương
Chính sách ngoại thương của Tuy-ni-di dựa vào 3 nguyên tắc chính: tự do hoá, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hoá đối tác.
Tự do hoá: Từ đầu những năm 90, Tuy-ni-di đã lựa chọn hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Sự hội nhập này được thể hiện qua việc tự do hoá dần dần nền ngoại thương và thiết lập các khu vực mậu dịch tự do với nhiều nước.
Cho đến nay, Tuy-ni-di đã ký hiệp định thương mại với 50 nước. Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và tác động của Phong trào Mùa xuân Ả rập, Tuy-ni-di vẫn tiến hành chính sách tự do hoá với việc đàm phán các hiệp định thương mại mới, nhất là đàm phán và tự do hoá lĩnh vực dịch vụ, nông sản và chế biến thực phẩm.
Đa dạng hoá hàng xuất khẩu: Với tầm quan trọng của ngoại thương trong nền kinh tế (là động lực tăng trưởng đứng thứ ba sau đầu tư và tiêu dùng), Tuy-ni-di đã lựa chọn việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao như công nghiệp cơ khí, công nghiệp hàng không, dịch vụ, dầu ô liu đóng gói...
Đa dạng hoá đối tác thương mại: Để tránh sự tập trung quá nhiều vào trao đổi với EU, Tuy-ni-di đã bắt đầu một chương trình đa dạng hoá đối tác thương mại bằng cách nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với các nước Bắc Âu, Đông Âu và Trung Âu, với khu vực thương mại tự do A rập và đặc biệt là với châu Phi và châu Á.
Thuế quan
Thuế quan của Tuy-ni-di được tính theo giá trị hàng hóa trên giá CIF của hàng nhập khẩu. Hàng hóa khi được nhập khẩu vào Tuy-ni-di phải chịu thuế từ 0% đến 43% tùy thuộc vào các sản phẩm. Ví dụ: 0% đối với hàng hóa thiết yếu mà sản xuất trong nước không đáp ứng được, đối với trang thiết bị thuế nhập khẩu là 15%, nguyên vật liệu là 36% và bán thành phẩm là 43%. Ngoài ra còn có thuế VAT có tỷ suất trung bình là 18% (riêng đối với mặt hàng xa xỉ là 29%), thuế tiêu thụ (10%)..
Biện pháp phi thuế quan
Về hàng rào phi thuế, mặc dù Tuy-ni-di đã tự do hoá chế độ nhập khẩu trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với WTO, nước này vẫn có một số giới hạn về nhập khẩu. Khoảng 3% hàng hoá đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu (nông sản, ô tô, dệt may) do Bộ Thương mại cấp. Vẫn áp dụng một số quota nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng cạnh tranh với ngành công nghiệp địa phương. Để có được những giấy phép này, doanh nghiệp cần xuất trình một số giấy tờ như hợp đồng thương mại (hoặc văn bản tương đương) cũng như những thông tin về các bên ký kết, mặt hàng, xuất xứ... Các giấy phép về nguyên tắc có giá trị 12 tháng kể từ khi Bộ Thương mại ra quyết định. Tuy nhiên, Bộ này có thể giảm thời gian nói trên đối với một số sản phẩm (nhưng không dưới 2 tháng). Giấy phép này không thể chuyển nhượng được.
Hệ thống phân phối tại Tuy-ni-di
Trong khoảng 5 năm gần đây, hệ thống phân phối hàng hóa phát triển nhanh chóng tại Tuy-ni-di. Sự xuất hiện của 3 nhà bán lẻ quốc tế là Carrefour, Géant và Champion cùng với hệ thống siêu thị của họ đã khiến thói quen tiêu dùng của người Tuy-ni-di thay đổi. Mặc dù vậy, hệ thống phân phối có tổ chức mới chỉ chiếm 12% thị phần phân phối của Tuy-ni-di, còn lại vẫn là các nhà buôn bán lẻ địa phương đặc biệt đối với việc kinh doanh các mặt hàng nông sản. Hiện nay, tại Tuy-ni-di có 3 nhà phân phối lớn: đầu tiên là Tập đoàn Mabrouk liên kết với Tập đoàn Casino của Pháp chiếm 36% thị phần, sau đó là Tập đoàn Chaibi ban đầu là chi nhánh của Carrefour sau đó mở rộng thêm liên kết với Champion chiếm 31% thị phần; cuối cùng là Magasin Général với 13% thị phần (nhà phân phối này còn tham gia cả hoạt động bán buôn).
Ngoài khu vực thủ đô Tunis nơi có sức mua khá cao, thì các vùng khác đặc biệt ở nông thôn, sức mua thấp, vì thế các tiểu thương vẫn là thành phần quan trọng của đời sống kinh tế Tuy-ni-di.
Một số địa chỉ hữu ích
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Tuy-ni-di:
Địa chỉ: 47 Ahmed Heshmat Street, Zamalek, Cairo, Egypt.
Điện thoại: + 202-27364327
Fax: + 202-27366091
Email: vnemb.eg@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Tuy-ni-di tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam:
Địa chỉ: 1 San Li Tun Dong Jie, Beijing
Tel: 0086-10-65322435/36; 65325688; 65327688;
Fax: 0086-10-65325818
E-mail: at_beijing@netchina.com.cn
Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tuy-ni-di
Địa chỉ: Villa 30, boulevard du 11 Decembre 1960, El Biar, Val d'Hydra, Alger, Algeria
Điện thoại: +213559 50 26 58 (viber, whatshap)
Email: dz@moit.gov.vn
Bộ Thương mại Tuy-ni-di
Địa chỉ: Angle entre les Rues Ghana et Pierre de Coubertin et Hédi Nouira à Tunis-Tunisie.
Tel:+216 71 240 155/ 71 240 208 ; Fax:+216 71 354 435
Email : mincom.brc@tunisia.gov.tn / mincom.boc@tunisia.gov.tn
Phòng Thương mại và Công nghiệp Tunis
Địa chỉ: 31, Avenue de Paris - 1000 Tunis - Tunisie
Tel.: (216) 71 247 322; Fax: (216) 71 354 744
Website : www.ccitunis.org.tn
E-mail : ccitunis@planet.tn; dir.sae@ccit.com.tn; dir.dae@ccit.com.tn
Thương Vụ Việt Nam tại Algeria