Dù nhu cầu LNG được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, nhưng tình trạng dư thừa tàu hiện nay có thể tiếp tục gây áp lực lên doanh thu của ngành. Theo báo cáo, các mức thuế mới do Mỹ áp dụng cùng với căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng đã làm thay đổi cục diện thị trường tàu biển. Điều này khiến một số lĩnh vực chững lại, trong khi những lĩnh vực khác lại được thúc đẩy nhờ các đơn hàng mang tính chiến lược.
Ông Matt Freeman, chuyên gia phân tích thị trường chính của Veson Nautical cho rằng: Áp lực địa chính trị giờ đây không còn chỉ là yếu tố nền, mà đã trực tiếp ảnh hưởng đến cách các chủ tàu đánh giá rủi ro, thời điểm đầu tư và dòng tiền. Rủi ro từ các quy định pháp lý cho đến việc thay đổi hành trình vận tải đang trở thành một phần trong môi trường hoạt động thường nhật, buộc các chủ tàu phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Theo ông Peter Edwards, nhà phân tích hàng hải, ngành dịch vụ hàng hải ngoài khơi khởi đầu năm 2025 khá tích cực, tiếp nối xu hướng thuận lợi trong vài năm gần đây nhờ cung - cầu vẫn nghiêng về phía các chủ tàu. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ sử dụng tàu trên toàn cầu tăng, khi các chủ tàu tận dụng mức giá thuê cao để tối đa hóa lợi nhuận. Tại Biển Bắc, tỷ lệ sử dụng tàu dịch vụ ngoài khơi (OSV) lên đến 95%, trong đó, giá thuê theo chuyến đối với các tàu kéo và tàu hỗ trợ neo có thông số kỹ thuật cao đã vượt mốc 100.000 USD/ngày. Các khu vực trọng điểm khác như Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Nam Á cũng ghi nhận tỷ lệ sử dụng tàu trên 80%, cho thấy thị trường rất sôi động. Giá thuê tốt cũng kéo giá tàu cũ tăng lên trong nửa đầu năm nay - tất cả các tàu đã qua sử dụng đều tăng giá. Hoạt động đóng tàu mới đã sôi động trở lại trong năm 2025, với số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ tàu tại Singapore ghi nhận lượng đơn hàng tăng rõ rệt, bên cạnh các đơn hàng từ Trung Quốc và Brazil. Tuy vậy, ông Edwards cảnh báo rằng các rủi ro địa chính trị vẫn còn đó và tiếp tục ảnh hưởng đến giá dầu. Nếu giá dầu giữ ở mức cao, giá trị các tàu OSV sẽ còn tăng, do nhu cầu vượt nguồn cung. Ở chiều ngược lại, phân khúc tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lại chịu nhiều áp lực trong nửa đầu năm. Theo Veson, thu nhập trung bình từ các hợp đồng thuê theo thời gian của tàu chở LNG cỡ lớn đã giảm mạnh - tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Veson nhận định, giá thuê hợp đồng một năm đối với các tàu chở LNG lớn hiện trung bình chỉ còn 19.200 USD/ngày - giảm 66% so với năm 2024 và giảm đến 86% so với nửa đầu năm 2023. Sự sụt giảm này là do việc mở rộng đội tàu liên tục vượt xa nhu cầu, cùng với các yếu tố cơ bản theo mùa yếu hơn. Khi giá giảm, hoạt động phá dỡ tăng mạnh, với bảy tàu bị loại bỏ - tăng 250% so với cùng kỳ năm 2024. Các tàu tuabin hơi nước cũ có mức giảm giá trị mạnh nhất, với các tàu 15 năm tuổi giảm hơn 8%.
Thị trường LNG và LPG
Theo báo cáo, dù nhu cầu LNG được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, nhưng tình trạng dư thừa tàu hiện nay có thể tiếp tục gây áp lực lên doanh thu của ngành trong suốt phần còn lại của năm 2025.
Trong nửa đầu năm nay, số lượng tàu chở LNG cỡ lớn được đặt đóng đã giảm mạnh 62% so với cùng kỳ năm 2024, chỉ có 6 tàu được đặt, so với 54 tàu cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, đơn hàng tàu quy mô nhỏ lại khá sôi động, với 24 tàu được đặt đóng.
Trung Quốc là quốc gia tích cực nhất trong việc đặt mua tàu chở LNG trong nửa đầu năm 2025, với 6 đơn hàng, tiếp theo là Hy Lạp (4 tàu) và Hàn Quốc (3 tàu). Tổng số đơn hàng từ 5 quốc gia đứng đầu đã giảm tới 77% so với năm ngoái, chủ yếu do năm 2024 từng ghi nhận một đơn hàng lớn từ Qatar cho các tàu chở LNG cỡ lớn và tàu Q-Max.
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau 5 năm, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước dẫn đầu thế giới về số lượng đơn đặt đóng tàu chở LNG, với 15 đơn hàng - nhiều hơn Hàn Quốc 2 tàu. Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi nước cũng có một đơn hàng trong lĩnh vực này.
Theo số liệu từ Veson, ngành khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các mức thuế mới giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm. Khối lượng mua bán tàu chở LPG đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động mua bán tàu chở LPG (S&P) sụt giảm, chủ yếu do lo ngại từ chính sách thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, số đơn hàng đóng tàu mới trong phân khúc này cũng giảm tới 80% so với năm ngoái.
Phần lớn hoạt động thị trường hiện tập trung vào tàu chở LPG cỡ rất lớn và tàu cỡ nhỏ, trong khi phân khúc tàu cỡ trung hầu như không có biến động đáng kể. Giá trị các loại tàu nhìn chung có xu hướng giảm, dù mức giá trung bình dài hạn vẫn cao hơn so với mức trung bình từ trước đến nay.