Theo khảo sát của Chi cục Thống kê Yên Bái, năm 2022, sản lượng thuỷ sản của huyện Yên Bình ước đạt 7.820,2 tấn, trong đó sản lượng cá lồng đạt 6.669,05 tấn, chủ yếu đến từ hồ Thác Bà.
Thác Bà là hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, có chiều dài gần 100 km, nằm trên 2 huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, trong đó chủ yếu nằm ở huyện Yên Bình. Giá trị thủy sản hàng năm của Yên Bình tăng bình quân 31,5%, chiếm 21,5% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Với diện tích mặt nước trên 19.000ha, nguồn nước chính cung cấp cho hồ Thác Bà có chất lượng tốt bởi không có các nhà máy sản xuất công nghiệp, đồng thời là nơi tiếp nhận phù sa của các sông, suối lắng đọng, nước hồ trong xanh 4 mùa, thuận tiện cho việc phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá.
Trong những năm gần đây, hầu hết các cơ sở và hộ nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Nhờ phát triển thủy sản trên hồ, đã góp phần thu hút việc làm cho nhiều người dân lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển được trên 2.500 lồng cá trên hồ Thác Bà, sản lượng khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó, 50% sản lượng được qua chế biến xuất khẩu. Phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân/ha nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/năm.

Lồng nuôi cá

Đặc sản cá hồ Thác Bà đã có danh tiếng về chất lượng
Với chủ trương phát triển các sản phẩm địa phương có uy tín và giá trị kinh tế cao, đến nay, hiều sản phẩm cá hồ Thác Bà đã được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Đến nay, đã có 10 sản phẩm cá hồ Thác Bà được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Sản phẩm cá hồ Thác Bà bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội

Hồ Thác Bà hiện hiện đang nuôi thả 10 loại cá chính, trong đó: trắm cỏ, rô phi vằn, nheo Mỹ, trắm đen, diêu hồng có sản lượng lớn và được nuôi phổ biến hơn cả. Người dân các xã vùng hồ Thác Bà phát triển nuôi cá với hai hình thức: Nuôi cá trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Nhờ lợi thế sẵn có, cùng những tiến bộ khoa học, và có dự án hỗ trợ của nhà nước, sản lượng cá liên tục tăng qua các năm.

Năm 2019, sản phẩm cá hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”, với 7 loài cá chủ lực gồm: Cá rô phi vằn, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá ngạnh, cá nheo Mỹ. Hiện nay các sản phẩm cá hồ Thác Bà như: cá sấy, xúc xích cá, chả cá, ruốc cá.. đang được tiêu thụ rộng rãi trong nước và đặc biệt được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO.

Cá nuôi tại hồ Thác Bà có đặc điểm là màu đen hơn so với cá nuôi tại các ao hồ khác vì có môi trường nước trong sạch tự nhiên. Thịt cá trắng, không tanh. Cá rô phi mổ ra không có màng đen…
Sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” hiện nay được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Ngoài việc chế biến các món ăn thông thường, để tiện cho việc bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ rộng rãi, cá hồ Thác Bà được chế biến sấy khô thành các sản phẩm đa dạng như: cá rô lọc xương, cá mương, cá quả lọc xương, cá dúi… trong một quy trình khép kín, đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài việc chế biến các món ăn thông thường như hấp, rán, nướng…, để tiện cho việc bảo quản vận chuyển và tiêu thụ rộng rãi các sản phẩm, cá hồ Thác Bà được chế biến và sấy khô thành các sản phẩm đa dạng như cá chày sấy, cá rô lọc xương sấy, cá mương sấy, cá quả lọc xương sấy, cá dúi sấy, cá tép sấy… với quy trình sấy khép kín, đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm: Cá tươi được đánh bắt tại hồ Thác Bà, được làm sạch và tẩm ướp những gia vị tự nhiên đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, sau đó sấy bằng bếp củi quế, không tanh, không béo, không chất bảo quản, sản phẩm cá sau khi sấy được đóng trong túi hút chân chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản được trong thời gian từ 3-6 tháng tùy loại và điều kiện bảo quản.
Cá sấy có thể sử dụng ăn được ngay, muốn ăn mềm thì có thể sử dụng trong lò vi sóng, hoặc lò nướng nhưng ngon hơn cả là được làm nóng trên bếp than hoa. Món cá sấy rất hợp khi chấm với tương ớt hoặc chế biến thành món cá sốt cà chua, rim mắm, nấu canh chua, canh cải, canh cần, kho khô, làm ruốc…
Hiện nay các sản phẩm cá hồ Thác Bà như: cá sấy, xúc xích cá, chả cá, ruốc cá…đã xuất hiện tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối ở nhiều tỉnh thành và được nhiều người tiêu dùng quan tâm đón nhận.
Từ tỉnh đến huyện chủ trương tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn dành sự quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100 m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng và 5 triệu đồng/lồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản phục vụ cho xuất khẩu, theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”, gắn nuôi trồng với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã thành lập Hiệp hội Nghề cá hồ Thác Bà để làm cơ quan kết nối cung cầu, liên kết giữa nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất VietGAP và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học vào sản xuất. Theo đó, Chi cục Thuỷ sản tỉnh đã tích cực bám sát cơ sở, nắm chắc phong trào nuôi thủy sản ở từng địa phương và kiểm soát tình hình dịch bệnh giúp người dân phát triển kinh tế từ nghề cá. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương tiếp tục vận động nhân dân tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng nuôi trồng thủy sản. Để chủ động nguồn giống, Trại giống thủy sản Yên Bình (xã Đại Đồng, huyện Yên Bình) có nhiệm vụ sản xuất, ươm nuôi cá giống của tỉnh. Với diện tích khoảng trên 3ha, hiện nay Trại đang nuôi và sản xuất các loại cá giống như: chép, trắm, trôi, mè, rô phi... Cùng với việc cung cấp cá giống đảm bảo chất lượng, cán bộ kỹ thuật của Trại thường xuyên tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các hộ dân nuôi cá. Đến nay, Trại đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy cho người nuôi cá trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Đối với huyện Yên Bình, trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm phát triển toàn diện về thủy sản từ nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ sản phẩm đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Chính quyền địa phương có giải pháp thông thoáng hành lang pháp lý, giảm thủ tục hành chính để kêu gọi đầu tư và thu hút các doanh nghiệp cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn.
Huyện Yên Bình đã khuyến khích, hỗ trợ phát triển xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, kết hợp với xúc tiến thương mại có hệ thống qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Để quản lý hiệu quả công tác nuôi trồng thủy sản, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX, các hộ dân khi đăng ký mới các vùng nuôi cá phải đảm bảo đúng theo quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, tất cả các cơ sở nuôi cá trên hồ đều phải đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện quy định, thủ tục khắt khe về bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo quy mô và việc nuôi trồng thủy sản không tác động đến môi trường.
Đồng thời, huyện Yên Bình đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu để phát triển các sản phẩm cá hồ Thác Bà gắn với tiêu thụ bền vững cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, thời gian qua huyện Yên Bình đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP từ đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó, các sản phẩm cá hồ Thác Bà góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu thông qua các sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP cá hồ Thác Bà.
Các doanh nghiệp nỗ lực hưởng ứng chủ trương phát triển ngành cá hồ Thác Bà
Trước năm 2019, huyện Yên Bình chưa có doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định; chưa có nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá và chế biến thủy sản...
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản.
Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với khoảng 2.000 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản từ hồ.
Với việc lựa chọn mô hình nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tập trung sản xuất các thực phẩm sạch, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.
Những doanh nghiệp tiêu biểu nuôi trồng và kinh doanh cá hồ Thác Bà 

1. CÔNG TY TNHH CHẾ BIẾN THỦY SẢN SẠCH HẢI HÀ 

Địa chỉ: Thôn An Lạc, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Điện thoại: 0862 144 288
Sản phẩm: Xúc xích: cá lăng, tầm, Giò: cá lăng, cá tầm; Chả: cá lăng, tầm; Ruốc cá Lăng, cá Diêu hồng; Chả rán cá lăng, tầm; Chả viên cá lăng, tầm;
Sản lượng: 25 tấn/năm
Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà là đơn vị đặt viên gạch đầu tiên trong việc chế biến sâu cá hồ Thác Bà. Với định hướng sản xuất các sản phẩm thực phẩm sạch từ hồ Thác Bà, Công ty Hải Hà đang liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi trên 300 lồng nuôi cá (lăng, tầm, diêu hồng) trong môi trường nước sạch, áp dụng các quy trình nuôi an toàn, quản lý chặt chẽ.
Từ nguồn nguyên liệu chất lượng, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ cá như xúc xích cá, chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá...trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Với việc có tem nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của công ty đã có cơ hội tiến vào hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng OCOP ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ. 

2. CÔNG TY CP NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG DỊCH VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ T&T

Địa chỉ: Tổ dân phố số 1, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Điện thoại: 0352971302 Sản phẩm: cá rô phi, trắm đen, diêu hồng, cá nheo Mỹ
Sản lượng: 1.000 tấn/năm
Công ty CP Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T, với quy mô trên 101 lồng nuôi cá các loại, đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng; áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất vừa mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi cá thông thường.
Các sản phẩm cá của công ty đã được tiêu thu rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, được đưa vào hệ thống siêu thị như Vinmart, Aeon hay như Lotte ở Hà Nội. Công ty cũng đã liên kết với các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm cá hồ Thác Bà tiêu thụ rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Năm 2022, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen, diêu hồng, rô phi… đạt doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng. 

3. HỢP TÁC XÃ THỦY SẢN HOÀNG KIM

Địa chỉ: Thôn An Lạc, xã Hán Đá, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Điện thoại: 0975 429 748 Sản phẩm: Cá lăng, cá tầm, cá diêu hồng;
Sản lượng: 1.000 tấn/năm
HTX thuỷ sản Hoàng Kim được thành lập năm 2017 với thành viên là các hộ ngư dân tại xã Hán Đà, là một trong những đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình, với 300 lồng cá các loại, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá.
Các lồng cá của HTX được đầu tư, thiết kế bài bản, khoa học, nuôi hàng triệu con cá lăng, cá tầm, diêu hồng, rô phi… mỗi năm cho thu khoảng 700 tấn cá các loại, đạt giá trị hàng chục tỷ đồng, không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đơn vị còn tiên phong trong việc chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm cá lồng, tạo tiền đề để nghề nuôi cá lồng phát triển vững chắc tại địa phương. 

4. HỢP TÁC XÃ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN HỒ THÁC BÀ

Địa chỉ: Thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Điện thoại: 0989058109 Sản phẩm: cá lăng, cá rô phi, cá ngạch;
Sản lượng: 70 - 100 tấn/năm
HTX nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà, được thành lập tháng 6/2015, là một mô hình doanh nghiệp có quy mô, bài bản, tạo thành chu trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, có thể nhân rộng, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản của địa phương; đồng thời, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
HTX đã áp dụng quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ giúp các loại cá trong lồng phát triển theo quy trình, mà còn giúp môi trường tự nhiên không bị ảnh hưởng và có khả năng phục hồi trở lại. Hiện HTX đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tập hợp thêm các thành viên có kinh nghiệm, tâm huyết để nuôi trồng những loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, mỗi năm, HTX cùng các ban ngành địa phương tiến hành thả chục tấn cá các loại xuống hồ Thác Bà, nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản và bảo đảm môi trường sinh thái trong hồ. HTX đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản một cách bền vững và tham gia vào HTX để thuận lợi cho việc mở rộng diện tích và thị trường. 

5. HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TÂY BẮC HIỀN VINH

Địa chỉ: Tổ 4, Thị trấn Yên Bình, Huyện Yên Bình, Yên Bái.

Điện thoại: 0989.991.062 Sản phẩm: cá rô, cá thiểu gù, cá mương, cá chày
Sản lượng: 5 – 7 tấn/năm
HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh đã đầu tư đồng bộ hệ thống sấy nhiệt và bảo quản hiện đại để phục vụ chế biến cá sấy theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX ứng dụng chuyển đổi số trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên của HTX tích cực sử dụng mạng xã hội: Facebook, Zalo, Tik tok… đăng tải hình ảnh, video về quá trình nuôi trồng, đánh bắt, chế biến. Đồng thời, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm với hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, bao bì tiện lợi, đẹp mắt. 

6. HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ TỔNG HỢP YÊN BÌNH

Địa chỉ: Số 7, đường Nguyễn Tất Thành, tổ 7, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnhYên Bái.

Điện thoại: 0834.857.359 Sản phẩm: cá rô, cá thiểu gù, cá mương, cá chày
Sản lượng: 5 – 7 tấn/năm
HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình được thành lập tháng 8 năm 2020 với mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đưa sản phẩm đặc sản cá hồ Thác Bà đến với người tiêu dùng. Bên cạnh các sản phẩm nông sản sạch, HTX lựa chọn các sản phẩm đặc trưng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh. Cùng với đó, HTX Yên Bình còn rất chú trọng và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ trong và ngoài tỉnh, để quảng bá, marketing, cung ứng, kinh doanh các sản phẩm của HTX.

Nguồn: Vinanet/VITIC