Ngày 26/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên.
Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh trong và ngoài nước, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm vùng Tây Nguyên.
Thông qua hội nghị nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng Tây Nguyên, góp phần đưa vùng Tây Nguyên sớm ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển thương mại, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình của cả nước trong thời gian tới.
Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp hạng nhất nhì khu vực cũng như thế giới, thì trong đó Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như càphê, hồ tiêu, chanh dây, điều, mắcca, cao su.
Diện tích trồng các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Trong 2 năm (2022 và 2023), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng chủ yếu tập trung vào một số nhóm hàng cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, cà phê, gia vị, cây dược liệu, khai thác tài nguyên.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Tây Nguyên dù hội đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện tại lại gặp nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics và cơ sở vật chất còn yếu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, đem lại giá trị không cao cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm yếu, lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng. Những hạn chế này tạo nên nhiều rào cản cho hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Đại biểu tham quan sản phẩm nông sản của vùng Tây Nguyên được trưng bày, giới thiệu, quảng bá bên lề hội nghị. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi những vấn đề như thực trạng và giải pháp thúc đẩy mối liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu cà phê, ca cao; một số vấn đề khó khăn, vướng mắc tồn tại trong xuất khẩu; phát triển xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp; kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử..
Theo các đại biểu, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong việc khai thác các lợi thế đặc thù của vùng, tìm biện pháp liên kết vùng thực sự hiệu quả để giúp vùng Tây Nguyên có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, nguồn lực lớn; đồng thời cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp các sản phẩm cây công nghiệp như càphê, cao su, tiêu, điều và ong mật.
Xuất khẩu nông sản luôn là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua và đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thâm nhập được nhiều thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU; hàng năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Thông qua hội nghị, tỉnh Đắk Lắk mong muốn cùng các tỉnh trong khu vực kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước và xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các tỉnh cùng nhau nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp.
Bên lề hội nghị diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu đến từ các thị trường xuất khẩu quan trọng như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ./.