Trong thời gian qua, nông sản, trái cây mùa vụ của các tỉnh đã và đang đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng Thủ đô và cả nước thông qua các nền tảng mạng xã hội, mang lại hàng trăm đơn hàng với giá trị hàng trăm triệu đồng sau mỗi buổi livestream bán hàng.
Có mặt tại Hội nghị kết nối cung - cầu cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) tại Hà Nội ngày 9/12, bà Nguyễn Thị Phương - chủ chuỗi phân phối hoa quả Phương Toản - cho biết: "Livestream bán hàng là hình thức thiết thực nhất để tiếp cận với người tiêu dùng, không cần địa điểm kinh doanh, giảm thiểu chi phí khâu trung gian và cung cấp tới người tiêu dùng thông tin cần thiết nhất.
Hiện chuỗi phân phối hoa quả Phương Toản với 3 cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội, mỗi buổi livestream trên nền tảng TikTok, facebook, chúng tôi có thêm hàng trăm đơn hàng với giá cả, chất lượng sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.
Đồng thời, với không gian livestream ngay các vườn cam, vải tại tỉnh Hưng Yên, Hải Dương… đã tạo cho người tiêu dùng gần gũi, thân thuộc, gần gũi với vùng sản xuất giúp thông tin sản phẩm mùa vụ của các tỉnh đến với người tiêu dùng".
Rõ ràng, với sự chủ động trong ứng dụng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua nền tảng TikTok, hay mạng xã hội như facebook, zalo... Nhờ đó, không chỉ đẩy mạnh việc bán hàng mà thương hiệu nông sản của hợp tác xã hay của địa phương còn được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Bên cạnh đẩy mạnh hình thức quảng bá trực tuyến, các tỉnh, thành phố vẫn đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo cách truyền thống tại thị trường Hà Nội, như: Hội nghị xúc tiến cam Tuyên Quang tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu nông, thủy sản tỉnh Yên Bái tại Hà Nội; tuần hàng cam Hưng Yên; Tuần hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Lai Châu,… nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP các địa phương,…
Xúc tiến tiêu thụ cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ. Năm 2023 diện tích cam toàn huyện có 5.100ha, sản lượng đạt 75.000 tấn quả. Dù đã được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và trong hệ thống siêu thị lớn như Winmart, Co.opmart… Tuy nhiên, hiện trạng phát triển cây cam trên địa bàn huyện Hàm Yên vẫn còn hạn chế, nhất là trong tiêu thụ trái cam tươi.
Cam chính vụ bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 1 năm sau, sản lượng lớn khó bán, giá bán thấp, tiêu thụ cam hiện vẫn phụ thuộc vào thương lái ảnh hưởng đến thu nhập của người dân vùng trồng, doanh thu của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tĩnh - Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp xanh Yên Lâm cho hay, hợp tác xã có trên 50ha trồng cam sành theo hướng VietGAP, và tiến tới sẽ chuyển đổi sang hướng hữu cơ. Mặc dù trồng cam với diện tích tương đối lớn, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của hợp tác xã hiện nay đó là chưa liên kết được với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, trong khi vẫn phải phụ thuộc vào thương lái.
Do đó, hợp tác xã mong muốn các cấp chính quyền, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng, tránh cảnh được mùa mất giá.
Cam Hàm Yên là một trong rất nhiều các câu chuyện về nông sản, trái cây Việt khi vào vụ thu hoạch, đầu ra bấp bênh, giá bán thấp. Để giải bài toán này, trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ rất lớn trong khâu kết nối, hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân tại các tỉnh/thành phố.
Ký kết ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam Hàm Yên tại Hà Nội
Theo đó, riêng trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng với trên 30 tỉnh, thành phố trong việc triển khai các hoạt động thiết thực để tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương khác với nhiều hình thức như: Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương,… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối của Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, tham gia trên 40 hoạt động kết nối giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức; giới thiệu, cung cấp danh sách 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội để các hệ thống phân phối chủ động kết nối.
Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã “đứng chân” tại các kệ siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Cùng với sự hỗ trợ của TP. Hà Nội, để đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản phẩm mùa vụ, nông sản của các tỉnh, thành phố, ngành Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các địa phương cần đa dạng các hình thức quảng bá trực tiếp và trực tuyến, tiến hành chuyển đổi số, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản trên nên tảng số để từ đó tăng độ lan toả nông sản, đặc sản của địa phương mình trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.