Tham dự sự kiện còn có đại diện Vụ Ngoại thương và Cục Xúc tiến xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại và Doanh nghiệp vừa nhỏ Senegal cùng 50 công ty của hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Mbaye Chimère Ndiaye, Tổng thư ký Phòng TM, CN và NN Dakar đánh giá cao sự kiện này và coi đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại. Đây cũng là hội nghị giao thương trực tuyến lần thứ hai mà hai bên đã phối hợp tổ chức từ năm 2021.
 
Ông cho biết, tình hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Senegal có từ hơn 5 thập kỷ, mang lại những thành tựu trong các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng như nông nghiệp và thương mại. Cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước tương đối cân bằng. Năm 2022, trao đổi thương mại song phương đạt 70,60 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 36,24 triệu USD và kim ngạch xuất khẩu Senegal đạt 34,36 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khảu khẩu chính gồm hạt tiêu (6,69 triệu USD), bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (5 triệu USD), hàng rau quả (3,82 triệu USD), hàng dệt may (3,27 triệu USD), hàng thủy sản (2,77 triệu USD), gạo (1,7 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (469.971 USD), hàng hóa khác (12,48 triệu USD). Những mặt hàng Senegal xuất khẩu chính gồm hạt điều thô chiếm đến 32,65 triệu USD, bông 964.000 USD, hải sản 405.000 USD, thức ăn gia súc 191.000 USD, nguyên liệu chất dẻo, vv.
 
Senegal nối châu Phi với phần còn lại của thế giới và cũng là cầu nối quan trọng với các thị trường xuất khẩu chính ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Những chỉ số kinh tế của Senegal liên tục được cải thiện từ nhiều năm nay. Senegal có tham vọng trở thành nền kinh tế mới nổi lên vào năm 2035. Do vậy, ngày từ năm 2014, chính phủ nước này đã triển khai Kế hoạch Senegal nổi lên thể hiện ở ba định hướng chiến lược gồm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy nguồn lực con người và nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ.
 
Mặt khác từ năm 2014 đến 2016, Senegal đã có những phát hiện về dầu khí quan trọng. Việc khai thác các nguồn tài nguyên này sẽ mang lại ngoại tệ có thể làm năng động hóa nền kinh tế. Theo ước tính, sản lượng khai thác trung bình trên 100.000 thùng dầu/ngày giai đoạn 2024-2035 sẽ góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng của Senegal tăng thêm 9,4% và đóng góp khoảng 52 tỷ USD vào GDP hàng năm của cả nước.
 
Senegal cũng quyết tâm hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp, hiện chiếm 16,5% GDP và sử dụng 50% lao động. Chính quyền cũng mong muốn phát triển hoạt động nông nghiệp dọc sông Senegal nhằm tăng sản lượng gạo tiến tới tự túc lương thực, đẩy mạnh việc trồng các loại rau màu phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
 
 
Ông Mbaye Chimère Ndiaye cũng đánh giá cao nền nông nghiệp và năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm tương đồng này là các cơ hội mà các doanh nghiệp tư nhân hai bên cần nắm bắt khi thiết lập quan hệ đối tác trên cơ sở cùng thắng.
 
Ông mong muốn những kết luận rút ra từ những cuộc gặp gỡ như thế này cần phải được theo dõi thực hiện vì chỉ có bằng cách đó hai bên mới có thể đánh giá được chất lượng công việc mà các cơ quan xúc tiến thương mại đã triển khai trong việc kết nối giao thương.
 
Nhân dịp này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal đã giới thiệu về tình hình kinh tế, thương mại, chính sách xuất nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua. Việt Nam và Senegal đã ký các thỏa thuận như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hiệp định Hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - Tổ chức Nông lương LHQ và Senegal, Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước… Năm 2017, phía Việt Nam cũng đã trao dự thảo Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp để hai bên sớm đàm phán, ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
 
 
Mặc dù có những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại song phương song hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng do doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến thị trường của nhau. Để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Senegal, hai bên cần tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước; Tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế như Vietnam Expo, Vietnam Food Expo của Việt Nam hay Hội chợ quốc tế Dakar của Senegal; Phối hợp trong việc giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xác minh đối tác cũng như tư vấn giải quyết các trang chấp phát sinh.
 
Tại Hội nghị, Ban tổ chức Hội nghị đã giải đáp nhiều câu hỏi mà doanh nghiệp hai nước quan tâm về triển vọng thị trường, mặt hàng, chính sách thương mại, những vấn đề thuế quan, thanh toán, tìm kiếm đối tác, việc xin thị thực…
 
Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được khách hàng nhập khẩu những mặt hàng như gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, bánh kẹo, nước trái cây, dầu ăn, máy tính, linh kiện, phụ tùng ô tô… và các nhà cung cấp điều thô, vừng, lạc của Senegal.
 
Một số đại biểu Senegal kiến nghị, ngoài thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tính tới việc đầu tư tại Senegal trong các lĩnh vực chế biến nông sản (hạt điều, xoài, dưa hấu), sản xuất hàng dệt may để tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ và xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Phi đang được thực hiện. Vụ Ngoại thương và Cục Xúc tiến xuất khẩu Senegal đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước cần thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Senegal để tạo cơ chế hợp tác, quy tụ đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ những thông tin hữu ích, thảo luận về các thách thức chung cũng như là cầu nối đưa ý kiến của doanh nghiệp đến với chính phủ, các cơ quan chức năng hai nước.
 
Nhân dịp này, các đại biểu Senegal tham dự trực tiếp sự kiện đã được thưởng thức và đánh giá cao những sản phẩm như trà, cà phê và bánh kẹo của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Trong thời gian ở Senegal, Tham tán thương mại Việt Nam còn làm việc với đại diện Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Senegal và tham dự Triển lãm quốc tế Dakar, sự kiện thương mại lớn nhất trong năm tổ chức tại quốc gia Tây Phi này.
 

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal