Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
XK gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Đâu là yếu tố chính giúp ngành gỗ đạt được kết quả ấn tượng như vậy, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang gây ra không ít khó khăn cho giao thương toàn cầu, thưa ông?
Thời gian qua, dù kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, song DN ngành gỗ đã có sự ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là trong XK.
Thị trường mặt hàng đồ gỗ thế giới rất lớn, trong khi thị phần của Việt Nam hiện mới chiếm 6-7%, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay đã bắt đầu dần ổn định. Tỷ trọng nguồn nguyên liệu trong nước đóng góp vào trị giá XK từng bước được nâng lên.
Một yếu tố quan trọng nữa là các DN đã từng bước tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết thời gian qua. Các DN ngành gỗ đã tận dụng rất tốt để có những cơ hội bứt phá tăng trưởng tốt; từ việc xác định rõ nhu cầu của thị trường tăng cao, thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản rồi đến việc đổi mới các phương thức quản trị DN.
Việc áp dụng các hình thức thương mại điện tử nhằm quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến cũng như qua các trang mạng xã hội… đã giúp ngành gỗ tận dụng được rất nhiều cơ hội.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng quản trị và cơ cấu lại mô hình hoạt động của DN chế biến, XK gỗ Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu thay đổi của thị trường thế giới trước tác động của đại dịch Covid-19?
Nửa đầu năm nay, các thị trường XK gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, với trị giá XK ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch XK của cả nước.
Toàn ngành gỗ xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, cả năm 2021, XK ước đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020; NK đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020.
Vấn đề quản trị DN hiện nay đã được các DN quan tâm và đổi mới rất nhiều. Các DN cũng rất sáng tạo trong chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu hoạt động của DN. Quan trọng hơn nữa là các DN cũng đã thiết lập được những kênh bán hàng rất mới. Ở đây, vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với các DN để có nhiều sáng kiến giúp DN tiếp cận được các thị trường quốc tế nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Xin ông cho biết, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tác động như thế nào tới XK gỗ và lâm sản của Việt Nam sang thị trường EU, đặc biệt trong nửa đầu năm nay?
6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng XK sang thị trường EU rất ấn tượng, lên tới trên 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi những năm trước đó là 2019, 2020 không có sự tăng trưởng cao như vậy, thậm chí có những thời điểm XK còn tăng trưởng âm.
Nói như vậy để thấy rằng, 6 tháng đầu năm nay, XK sang thị trường EU đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Một trong những nguyên nhân là ngành gỗ Việt Nam đã tận dụng khá tốt EVFTA.
Tính đến hết năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đã nhận được 63 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 327,7 triệu USD và dự báo xu hướng FDI rót vốn vào ngành gỗ Việt sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhìn từ việc DN FDI đầu tư, theo ông các DN chế biến, XK gỗ của Việt Nam cần rút ra bài học, tập trung đầu tư then chốt vào những vấn đề nào để nâng cao sức cạnh tranh?
iệt Nam luôn luôn đối xử công bằng giữa các DN FDI và DN trong nước. Các DN FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, ngành gỗ nói riêng. Giữa các DN với nhau, DN Việt Nam cũng nên coi các DN FDI là những đối tác, đồng thời là đối trọng để làm mốc phấn đấu, nâng cao vị thế của mình hơn nữa.
Có 3 điểm mà DN Việt cần tập trung đầu tư khi nhìn lại những đầu tư của DN FDI. Thứ nhất, trình độ công nghệ, trang thiết bị của các DN FDI đảm bảo tốt hơn và DN Việt nên học hỏi. Thứ hai, trình độ quản trị DN của các DN FDI rất cao. Họ mang được những ưu việt, tiên tiến của thế giới về Việt Nam. Thứ ba, các DN FDI đào tạo nguồn nhân lực rất bài bản.
Các DN Việt Nam cũng nên quan tâm vào những yếu tố đó, nâng cao sức cạnh tranh cũng như nâng cao hiệu quả trong quá trình đầu tư.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng tới mục tiêu XK khoảng 15,5 tỷ USD trong năm nay, xin ông chia sẻ rõ hơn thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ những giải pháp nào để có thể hỗ trợ cho các DN gỗ trong nước tìm kiếm được cơ hội XK trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động?
Thứ nhất, Tổng cục Lâm nghiệp đang được giao xây dựng Nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, trong đó có xác định một số cơ chế, chính sách cho ngành chế biến gỗ.
Thứ hai, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2021-2030 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021. Ngoài ra, Tổng cục sẽ tiếp tục nắm bắt thông tin từ các DN để kịp thời tham mưu Bộ, báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ các DN ngành gỗ có ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua .
Kết nối, mở cửa thị trường là yếu tố rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đứng ở vai trò các cơ quan nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với các quốc gia là những thị trường tiềm năng, ký kết được những biên bản ghi nhớ, hợp tác trong các hoạt động chế biến và thương mại lâm sản.
Tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các hiệp hội triển khai tốt các hoạt động về xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường từng bước đưa sản phẩm sang nhiều quốc gia hơn và trong một quốc gia thì sẽ được mở rộng tiêu thụ hơn.
Xin cảm ơn ông!