Nhiều lợi thế xuất khẩu nông sản, thực phẩm
Ngày 4/1/2024, thông tin tại Diễn đàn “Xúc tiến thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và lễ vinh danh Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2023” do Trung tâm nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) cùng các đơn vị liên quan tổ chức, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thế mạnh tiếp cận thị trường Hoa Kỳ ngày càng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VST nhấn mạnh, năm 2023 tình hình xung đột, chiến tranh châu Âu và biến động kinh tế, tài chính toàn cầu diễn ra phức tạp, giao thương của các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng năng nề, gây nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư kinh doanh. Tuy trong bối cảnh khó khăn và đầy thử thách, nhưng nhờ vào chủ trương, chính sách, và đường lối của Đảng và Nhà nước, sự tích cực đầu tư, nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn chất lượng có giá trị, hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 88 tỷ USD. Nhập khẩu ước đạt 12,57 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng Việt Nam đã phấn đấu khẳng định vị thế của mình khi đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 13 trên thế giới về xuất nhập khẩu. Các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế rộng rãi, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng thế giới ngày càng tín nhiệm hơn.
Trong đó, Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, sức tiêu thụ rất lớn. Theo ước tính, năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt khoảng 53 tỷ USD. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thứ 2 của nông sản Việt Nam sau Trung Quốc và chiếm tỷ trọng 20,7%.
Tuy nhiên, để thâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức để gia nhập thị trường
Theo bà Phan Thị Mỹ Yến, sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam hiện chưa có vị thế và giá trị cao, xuất khẩu thô, tỷ lệ gia công còn cao. Việc tiếp cận thị trường nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Lý do là các sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa xây dựng thương hiệu một cách khoa học, quy trình đầu tư, sản xuất chưa bài bản để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, có thương hiệu uy tín và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Qua khảo sát các siêu thị ở Hoa Kỳ, nhận thấy nguồn sản phẩm nông sản của Việt Nam có tiềm lực rất lớn, nhưng đa số mang thương hiệu của nước ngoài. Các sản phẩm Việt Nam bị lép vế và chỉ là nhà cung cấp thô. Đây cũng là nỗi trăn trở của chúng tôi và mong muốn đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam “cất cánh” gia nhập thị trường - nơi có sức tiêu thụ cao”, bà Yến chia sẻ.
TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may…
Song theo TS Lê Đăng Doanh, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đang đứng trước những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để tận dụng được các lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường tiềm năng này. Hiện Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các rào cản phi thuế quan có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (truy xét nguồn gốc bông của hàng dệt may, truy xét tôm có được trợ cấp…).
Đến nay, Hoa Kỳ áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện. Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan. Tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với nhiều đối tác khác từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi...
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã vinh danh và trao cúp vàng cho 35 doanh nghiệp xuất sắc, tiêu biểu, sáng tạo năm 2023. Đây là các doanh nghiệp do các UBND tỉnh, thành phố đề cử và đạt tiêu chí của Hội đồng xét chọn và vinh danh.

Nguồn: Haiquanonline