Triển lãm “Dệt may Italia - Phong cách và đột phá” (Fabrica) do Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia, Liên đoàn Công nghiệp Thời trang Italia - “Sistema Moda Italia”, Hiệp hội các nhà sản xuất máy dệt Italia (ACIMIT) và Hiệp hội Thủ công nghiệp vừa và nhỏ Italia - “Confartigianato Imprese” phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Fabrica được phát triển bởi “CMS Cultura” và kiến trúc sư người Italia - Corrado Anselmi, là minh chứng cho mối quan hệ đối tác bền chặt và di sản văn hóa chung giữa Việt Nam và Italia.
Phát biểu tại khai mạc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại Việt Nam Marco Della Seta cho biết, ngày nay, dệt may là nền tảng của thương mại và đầu tư song phương. Năm 2023, giá trị xuất khẩu dệt may của Italia sang Việt Nam đạt 309 triệu USD (chiếm 17,3% tổng xuất khẩu của Italia), trong khi nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 335 triệu USD.
Mối quan hệ thương mại động này là một khía cạnh quan trọng của hợp tác song phương giữa Việt Nam và Italia, mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển và tiến bộ.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Italia là hai quốc gia có một truyền thống lâu đời về nghệ thuật chế tác trong sản xuất trang phục. Nghệ thuật tinh tế và lâu đời này là một phần quan trọng của lịch sử văn hóa và kinh tế của hai quốc gia, tượng trưng cho vẻ đẹp và kỹ năng cốt lõi trong các bản sắc dân tộc riêng. Sự đồng điệu này không chỉ làm bộc lộ sự đánh giá đồng nhất về tài năng thủ công, mà còn là cầu nối để nuôi dưỡng sự tôn trọng và sự hiểu biết chung.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Marco Della Seta nhấn mạnh, dệt may cũng là một lĩnh vực ngày càng quan trọng đối với hợp tác công nghệ. Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ Dệt may Italia - Việt Nam đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, được tài trợ bởi Cơ quan Thương mại Italia và ACIMIT là minh chứng cho tinh thần hợp tác này. Trung tâm nhằm mục tiêu nâng cao các tiến bộ công nghệ và chuyển giao kiến thức trong sản xuất dệt may giữa Việt Nam và Italia.
“Sứ mệnh của chúng tôi là xây dựng một mô hình hợp tác kinh doanh và phát triển năng lực, đảm bảo sự hiện diện của các nhà sản xuất Italia tại Việt Nam không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn vào việc thúc đẩy phát triển kiến thức và kỹ năng tại địa phương” - ông Marco Della Seta nhấn mạnh.
Triển lãm Fabrica không chỉ tôn vinh những thành tựu trong quá khứ, mà còn hướng tới những tiến bộ trong tương lai, nhấn mạnh vào sức mạnh sáng tạo của ngành sản xuất dệt may Italia và cam kết với sự đổi mới và bền vững.
PGS. TS. Bùi Văn Huấn, Phó trưởng khoa Khoa Dệt may - Da giày và Thời trang Đại học Bách khoa cho biết: “Đây là một dịp quan trọng để Việt Nam và Italia củng cố mối quan hệ, và cũng là cơ hội tốt để Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và ngành dệt may nói riêng được chào đón bạn bè quốc tế. Đồng thời, giới thiệu về Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những trường đại học hàng đầu trong nước về lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm cả ngành công nghiệp dệt may”.
Triển lãm Fabrica là một hành trình nghệ thuật bằng hình ảnh và xúc giác, mô tả lịch sử và sự phát triển của ngành sản xuất dệt may Italia thông qua một loạt các tấm vải và 6 mô đun được sắp đặt tương tác khác nhau, được thực hiện bởi mạng lưới hơn 20 công ty trong lĩnh vực này.
Các mô đun của triển lãm ghi lại sự phong phú và đa dạng của nền sản xuất Italia, từ vải dành cho thời trang cao cấp và đồ nội thất cho đến các ứng dụng hiện đại nhất như vải làm từ sợi tự nhiên và vật liệu phế thải.
Trong khuôn khổ triển lãm, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo chuyên ngành phát triển ngành dệt may với sự phối hợp của Công ty Dệt nhuộm Carvico Hưng Yên và Công ty Madex Việt Nam.
Sự kiện sẽ diễn ra đến chủ nhật ngày 2/6/2024 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hứa hẹn mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị.