Phát biểu tại phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang gây nên nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực, là điểm sáng trong bức tranh ngoại thương của Việt Nam.
Tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Australia trong 10 tháng đầu năm nay đạt 10 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một dấu mốc hết sức ấn tượng. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, nhóm hàng lương thực, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu có sự tăng trưởng mạnh.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Australia thời gian qua chủ trương giảm nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, song vẫn ưu tiên nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn. Điều này tiếp tục khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo nói riêng, cũng như các sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam nói chung tại thị trường Australia. Và đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng ưa chuộng hàng hóa Việt Nam của người dân Australia đang tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý để sớm nắm bắt cơ hội thị trường Australia.
Đánh giá về thị trường Australia, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Đây cũng là là một thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú. Chính vì vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cũng chia sẻ, hiện thị trường Australia chỉ cho phép Việt Nam nhập khẩu không qua kiểm soát với 4 loại hoa quả là xoài, nhãn, vải và thanh long. Ngoài 4 loại hoa quả này, các nông sản khác đều phải qua kiểm định, kiểm tra nghiêm ngặt. Do đó, để tăng kim ngạch không phải dễ dàng. Uy tín nông sản Việt Nam tại Australia cao nhưng còn thiếu khả năng cung ứng và sự đồng bộ về chất lượng.
Khi bàn luận về giải pháp giúp nông sản Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa tại thị trường Australia khó tính nhưng tiềm năng, ông Lý Hoàng Duy - CEO Công ty 4way Fresh và ông Trương Bá Phúc - CEO Công ty Bato Ausales Australia đều khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhất là các quy định về hóa chất, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa tươi ngon.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu, từ nguồn cung, nhà xuất khẩu, vận chuyển, đến nhà nhập khẩu, phân phối, nhằm duy trì tốt chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn.
Ông Nguyễn Phú Hòa cho biết, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động thương mại trên nền tảng số hóa; tổ chức các hội chợ, triển lãm trực tuyến, trực tiếp; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Sau phần thuyết trình, chia sẻ của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi, đặt câu hỏi theo hình thức tư vấn riêng 1:1 và được các chuyên gia nhiệt tình giải đáp những vấn đề liên quan đến xuất khẩu sang thị trường Australia.
Cục Xúc tiến thương mại