Hậu Covid-19, nhu cầu sử dụng trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long trên thị trường Australia và New Zealand tăng nhanh. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Thanh long được ưa chuộng
Thanh long là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand. Bà Nguyễn Thu Hường – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia - thông tin: Thanh long tươi của Việt Nam được nhập khẩu trực tiếp vào Australia từ năm 2017 với giá trị xuất khẩu tăng hàng năm. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Australia tăng 36%, năm 2021 do ảnh hưởng từ dịch bệnh con số tăng trưởng xuất khẩu có giảm nhưng vẫn đạt 14%, đạt 4,8 triệu USD cao hơn mức tăng trưởng chung của mặt hàng thanh long xuất khẩu đi các thị trường.
Xuất khẩu thanh long vào Australia và New Zealand: Khai thác cơ hội mới
Đảm bảo nguồn cung xuất khẩu ổn định cả chất lượng và số lượng
"Ngoài hệ thống phân phối của người Việt, thanh long Việt Nam đã được bày bán tại các siêu thị bán lẻ lớn tại Australia" - bà Nguyễn Thu Hường nói. Điều này cho thấy trái thanh long tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng tại quốc gia này ưa chuộng.
Tương tự, tại New Zealand, thanh long là một trong 3 loại quả được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho hay: Thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam vào New Zealand với mức tăng trưởng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Cho rằng cơ hội xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào New Zealand khá rộng mở, ông Humphrey Lawrence – Tổng Giám đốc phụ trách nhập khẩu, Công ty MG Marketing (New Zealand) - phân tích: Sau dịch Covid-19 nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thanh long tăng cao, trong khi đó loại trái cây này của Việt Nam có hình thức bắt mắt, hương vị rất ngon. Hiện giá thanh long trên thị trường khá ổn, khoảng 40-45 USD/thùng 5kg. Nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này.
Lưu ý các quy chuẩn, tiêu chuẩn
Dù vậy, ông Humphrey Lawrence cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn với trái thanh long tại thị trường nhập khẩu. Cùng đó, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thời gian vận chuyển dài cũng là vấn đề cần được chú trọng nhằm kéo dài thời gian bảo quản và tiêu thụ trên thị trường. "Quan trọng là tránh được trải nghiệm không tích cực cho người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm chất lượng không tốt, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng lần sau" - ông Humphrey Lawrence nhấn mạnh.
Về điều kiện nhập khẩu thanh long vào thị trường Australia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin: Trước khi nhập khẩu, thanh long cần có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ Nông nghiệp, nước và môi trường Australia cấp. Thanh long tươi trước khi vận chuyển phải được xử lý bằng biện pháp nhiệt hơi với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5OC, độ ẩm 90% trở lên tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) của Việt Nam phê duyệt. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải được gửi kèm theo chuyến hàng.
"Nhu cầu tiêu thụ thanh long tại Australia tăng rất cao, ngoài nhập khẩu từ Việt Nam, Chính phủ Australia đang cân nhắc cho phép nhập khẩu thanh long từ Philippines. Tính cạnh tranh của mặt hàng này tại Australia ngày càng gay gắt, doanh nghiệp cần đảm bảo thế mạnh của thanh long Việt Nam hơn nữa trên thị trường" - bà Nguyễn Thu Hường nhấn mạnh.
Ngoài ra, để trái thanh long của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa trên 2 thị trường cấp cao này, các chuyên gia khuyến cáo: Sản phẩm xuất khẩu phải được thiết kế riêng cho thị trường, bao bì đóng gói phù hợp; đảm bảo nguồn cung ổn định cả chất lượng và số lượng. Nên có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng thanh long và nhà nhập khẩu ngay từ khâu đầu tiên, giúp sản phẩm sớm đạt các yêu cầu và tiêu chuẩn, thuận lợi cho xuất khẩu.
Việt Nga