Cuộc họp diễn ra sáng 23/4/2025 tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành và cơ quan Trung ương, bao gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND TP Hà Nội và Văn phòng Chính phủ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã ghi nhận sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định. Ông khẳng định việc xây dựng văn bản này là cần thiết để cụ thể hóa Điều 43 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Quá trình xây dựng được thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, đồng thời hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Ông nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo phải bám sát các định hướng lớn trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia cần được gắn kết chặt chẽ với cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình để đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại và hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát kỹ các nội dung dự thảo để bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là Luật Dữ liệu sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình cần được xây dựng theo hướng có khả năng thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và quản lý một cách hiệu quả. Đồng thời, phải tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ sở dữ liệu khác đang được vận hành như cơ sở dữ liệu về dân cư, bảo hiểm, cán bộ công chức, thi hành án hình sự, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và các phản ánh kiến nghị khác.
Ngoài ra, các thông tin được quy định trong cơ sở dữ liệu cần đầy đủ, chính xác, đặc biệt là các mã định danh cơ sở y tế, thông tin bảo hiểm xã hội và các dữ liệu liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội của người dân. Việc liên thông, cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin phải được thực hiện kịp thời, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ hiệu quả cho công tác khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh lãng phí nguồn lực công.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, cơ sở pháp lý để xây dựng dự thảo Nghị định được xác lập tại Khoản 3, Điều 43 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó giao Bộ chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ trong tháng 10/2024. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề, đồng thời gửi hồ sơ dự thảo lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo cũng đã được đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân.
Sau quá trình tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Nghị định trình Chính phủ hiện bao gồm 4 chương với 17 điều, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng; nguyên tắc thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu; nội dung thông tin quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; cũng như các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn và hiệu quả trong vận hành hệ thống.
Việc hoàn thiện và sớm ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống bạo lực mà còn là bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ quyền con người và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trong thời đại mới.