Nghị quyết số 198/2025/QH15 xác định rõ phạm vi điều chỉnh là các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết là quy định về cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là hạn chế tối đa tần suất thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp – không quá một lần mỗi năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Nghị quyết đồng thời nhấn mạnh việc công khai kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động này để nhũng nhiễu doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, và khuyến khích áp dụng hậu kiểm thay cho tiền kiểm trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
Về nguyên tắc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, Nghị quyết yêu cầu phân định rõ ràng giữa các loại trách nhiệm pháp lý, ưu tiên biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay cho hình sự khi có thể, và nghiêm cấm áp dụng hồi tố bất lợi. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng, phân biệt rõ ràng giữa tài sản hợp pháp và tài sản liên quan đến hành vi vi phạm, cũng như giữa tài sản của doanh nghiệp và cá nhân quản lý.
Đáng chú ý, Nghị quyết đưa ra các quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, trong đó cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ưu tiên thuê đất với giá ưu đãi, giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong 5 năm đầu.
Nghị quyết cũng đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và thuế. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng tiêu chuẩn ESG. Một số thu nhập liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế khoán sẽ bị chấm dứt từ năm 2026, thay vào đó là áp dụng phương pháp kê khai theo quy định mới của Luật Quản lý thuế.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được ưu đãi khi tham gia đấu thầu mua sắm công, với các gói thầu dưới 20 tỷ đồng dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này, ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ hoặc ở vùng khó khăn.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số. Chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển cũng được tính gấp đôi vào chi phí được trừ khi tính thuế. Nhà nước sẽ hỗ trợ nền tảng số, phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, đồng thời tài trợ chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.
Để thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, Nhà nước sẽ triển khai chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình “Go Global”, nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu, kết nối với thị trường quốc tế.
Nghị quyết quy định rõ thời hạn thực hiện các nhiệm vụ thể chế hóa: đến hết năm 2026, hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, quy hoạch và đầu tư. Trước ngày 31/12/2025, Chính phủ phải hoàn thành rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế chính sách này. Việc giám sát sẽ do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. Những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực sẽ được khen thưởng; hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.