Thiết kế và ngoại hình

Yamaha R3, hay có tên gọi "đầy đủ" là Yamaha YZF-R3 mới được hãng xe Nhật Bản cho ra mắt trong năm nay với ngoại hình, không có gì bất ngờ, mang nhiều âm hưởng thiết kế của mẫu xe đàn anh YZF-R6. Chiếc R3 với ngoại hình góc cạnh, đậm chất thể thao và hiện đại có thể khiến những người không chơi xe phân khối lớn cũng phải trầm trồ vì vẻ ngoài hấp dẫn.
Phần đầu xe được thiết kế sắc nhọn với cảm hứng từ đầu cá mập mang lại cho R3 một ấn tượng "hiếu chiến". Cụm đèn pha đôi và có cơ chế lệch - một đèn đảm nhiệm vai trò đèn cốt, đèn còn lại là đèn pha, cũng giúp chiếc xe thể thao cỡ nhỏ có thêm cá tính. Nhìn từ phía trước, khá khó để chê được Yamaha điểm gì trừ việc la-zăng hơi mảnh mai so với tổng thể khá cơ bắp của R3.

Phần thân xe, điểm trừ "nổi bật" mà bất cứ ai cũng có thể thấy đó là pô xe. Ống pô mang lại cảm giác yếu ớt, thiết kế khá "thường" và hầu như không ăn nhập gì với tổng thể hiện đại của chiếc xe côn tay. Một phần nào đó, nhiều đường nét cứng cũng làm cho R3 có vẻ hơi "ốm" khi nhìn từ xa, dù thực tế mẫu xe này khá "to con", không thua kém bất cứ đối thủ 300 phân khối nào.
Đuôi xe đơn giản, có thiết kế đồng bộ với tổng thể và mang nhiều cá tính hơn so với những mẫu xe khác cùng phân khúc. Đồng thời cũng vẫn do thiết kế vành hơi mỏng mảnh mà phần đuôi xe cũng có tổng thể chưa thực sự khỏe khoắn.

Cụm đồng hồ dạng điện tử đơn sắc của R3 mang lại trải nghiệm vừa đủ, không đẹp mắt nhưng dễ sử dụng. Nút bấm "nhá pha" riêng biệt dễ dùng, đèn báo sang số phía trên đồng hồ vòng tua cũng là những điểm đáng khen trên cụm đồng hồ của chiếc xe côn tay.

Vị trí ngồi và khả năng vận hành trong đường phố


Tương tự như các mẫu xe sportbike khác, để tối ưu hóa cho việc tăng tốc và ôm cua, tư thế ngồi trên R3 mau chóng mang lại cảm giác mỏi cho người lái. Xe dáng chồm, thuôn khiến người lái hầu như luôn phải ở tư thế đổ về phía trước.
Dáng xe chồm khiến người lái luôn đổ về phía trước
Ngoài ra, thiết kế khe thoát gió khá "khó hiểu" của R3 sẽ thực sự khiến người lái khó chịu vì quạt gió liên tục đẩy nhiệt từ két nước vào đầu gối người lái, đặc biệt là phía bên trái.

Tuy vậy, điểm mạnh của Yamaha R3 là chiều cao yên khá thấp, phù hợp với phần lớn nam giới Việt Nam (có chiều cao trung bình 1,63 m). Bình xăng thiết kế cơ bắp nhưng không cồng kềnh, giúp người ngồi lái không bị mỏi chân khi ngồi lâu.

Vận hành trong phố với R3 không quá vất vả, nhưng không hề thoải mái. Tay côn không nhẹ không nặng và có hành trình vừa phải, côn bắt ở khoảng 1/5 hành trình tay côn. Người lái hoàn toàn có thể giữ xe đi nhẹ nhàng như những chiếc xe số thông thường nếu phối hợp tay ga khéo léo.

Tuy nhiên, nếu vào số mạnh hay nhả côn ở vòng tua cao, hệ thống côn số của R3 phản ứng khá thô. Những tiếng cộc mạnh phát ra từ hộp số có thể khiến người lái hơi "ngại" vào số nhanh.

Hệ thống treo của R3 cũng khá thích hợp đi trong phố đông. Giảm xóc trước mềm, giảm xóc sau dạng monoshock cứng vừa phải và có độ chắc chắn để xử lý được những ổ gà lớn. Đi qua những cung đường gồ ghề, cổ tay người lái không phải chịu quá nhiều xung chấn từ hệ thống lái truyền lên.

Mô-men xoắn lớn giúp mẫu xe côn tay dễ dàng di chuyển trong phố hơn. Thử nghiệm tăng tốc ở vận tốc khoảng 15 km/h với số 4, vòng tua nhảy lên khoảng 6.000 vòng/phút và kéo chiếc xe đi từ tốn, không có những tiếc "khục, khục" hụt hơi như trên những mẫu côn tay phân khối nhỏ.

Di chuyển chậm, máy nóng nhanh và phả hơi nóng tới mức khó chịu. Đồng thời, cỗ máy 320 phân khối gằn và giật nếu người lái không thực sự tập trung kiểm soát và liên tục gồng mình để giữ tay côn. Máy xe quá mạnh và bốc, lại là nhược điểm trong phố đông.
Khe thoát gió phả thẳng hơi nóng từ két nước làm mát vào đầu gối người lái
Phạm vi xoay của cổ xe hẹp - đặc tính của sportbike, cũng khiến người lái khó khăn trong những pha quay đầu trên phố đông, dù chiều dài tổng thể của R3 không quá lớn. Nhìn chung, việc di chuyển hàng ngày với R3 và với những con đường không "thoải mái" cho tốc độ không phải là một ý tưởng hay.

Khả năng vận hành ở tốc độ cao

Đúng như tên gọi của dòng xe sportbike, những mẫu xe như R3 sinh ra cho tốc độ. Do vậy mà ở đường cao tốc, chiếc xe côn tay mới thực sự thể hiện được sự tối ưu. Cỗ máy 320 phân khối mang tới cho R3 sức mạnh 41,4 mã lực và sức kéo 29,6 Nm. Tuy đạt được những con số này ở vòng tua khá trễ, lần lượt là 10.750 vòng và 9.000 vòng nhưng nếu chỉ so về thông số kỹ thuật, R3 vượt trội so với các mẫu xe "đàn em" khác.
Xe dễ dàng đạt vận tốc 80 km/h ngay ở số 3
Tỉ số công suất/khối lượng của R3 là 0,245 trong khi chiếc Exciter có tỉ số này đạt 0,134 và của FZ150 là 0,128, đủ cho thấy sức mạnh của R3. Ngay cả khi so sánh với các đối thủ trong cùng phân khúc, R3 cũng có một chỉ số sức mạnh kỹ thuật đáng nể.

Trên thực tế, nếu ép xe hoạt động tới mức "đèn đỏ", chiếc xe 320 phân khối có thể đạt vận tốc 80 km/h ngay ở số 3. Hoặc chạy nhẹ nhàng hơn, R3 có thể đạt vận tốc này ở số 5 trong khi còn "dư ga" khá nhiều. Con số tốc độ tối đa, tuy không được hãng công bố, nhưng theo nhiều video từ Youtube, chiếc phân khối lớn "hạng nhẹ" có thể đạt được vận tốc 196 km/h.

Cỗ máy DOHC 2 xi-lanh thực sự không dành cho việc di chuyển vận tốc thấp. Xe gằn, gầm máy khi di chuyển ở vận tốc dưới 30 km/h dù cho người lái đẩy lên số 4. Từ khoảng 30 km/h tới 60 km/h, xe bớt rung hơn, di chuyển nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Và từ trên 60 km/h, máy thoáng, xe bốc, càn lướt một cách êm ái.
Dù tổng thể, mẫu xe 169 kg có thể "bay" qua những gờ giảm xóc lớn - đủ để "nhấc đuôi" những chiếc sedan cỡ nhỏ, mà không hề chòng chành, nhưng thực tế, giảm xóc trước hơi mềm khiến người lái đánh mất độ tự tin.

Điểm trừ rất lớn trên mẫu xe phân khối lớn là không có ABS. Dù chỉ là mẫu xe với mức giá 150 triệu đồng, nhưng đây có thể coi là "tử huyệt" của Yamaha R3. Ngay ở vận tốc khoảng 40 km/h, kết hợp cả việc phanh bằng số, bóp phanh gấp vẫn làm R3 rê đuôi rất mạnh, người lái hầu như mất kiểm soát với xe. Do đó, việc tăng tốc gắt trên R3 để thỏa mãn những cơn say tốc độ thực sự không an toàn.

Ngoài ra, bộ ống xả, ngoài thiết kế không đẹp mắt còn có âm thanh quá hiền. So sánh ngay với "đàn em" FZ150i, bộ ống xả này cũng kém phấn khích. Nhưng bù lại, khối động cơ 320 phân khối 2 xi-lanh mang lại những âm thanh dồn dập "đáng tiền". Tiếng máy khá khô, mạnh mẽ là điểm mạnh có thể bù lại được bộ ống pô hiền lành của R3.

Đi với 2 người trên xe, R3 tỏ ra ổn định hơn mỗi khi phanh gấp cũng như khi "bay" qua những gờ giảm tốc. Nhưng cũng giống như đại bộ phận các mẫu sportbike, yên sau xe không thực sự có nhiều giá trị thực tiễn. Vị trí ngồi phải gập đầu gối cũng như phải chồm về phía trước để giữ thăng bằng khiến người ngồi sau mệt mỏi ngay sau 15 phút di chuyển.

Theo điều kiện thử nghiệm với đa phần thời gian người lái thốc ga, tăng tốc gấp, chiếc xe 320 phân khối tiêu tốn 4,4 lít xăng cho 100 km đường hỗn hợp.

Kết luận

Hiện tại, ở phân khúc xe phân khối lớn 320 phân khối và có mức giá bình dân, R3 đang ở thế "một mình một ngựa". Những đối thủ cùng tầm như Honda CBR300R hay Kawasaki Ninja 300 đều là xe nhập khẩu thông qua các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ và có mức giá đắt hơn rất nhiều. Do đó, R3 có thể là một "mồi lửa" cho cuộc chơi phân khối lớn giữa các hãng xe, cũng như là một lựa chọn "dễ chịu" cho người dùng phổ thông muốn bắt đầu chơi xe phân khối lớn.

Một số hình ảnh khác của Yamaha YZF-R3 mới được ra mắt tại Việt Nam:
Thành NT