Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo 20 ngày đầu tháng 3/2009 đạt 343.832 tấn, trị giá 137,173 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/01/2009 đến ngày 20/03/2009 đạt 1.285.275 tấn, trị giá 513,007 triệu USD.
Như vậy kết hợp với các hợp đồng ký kết từ năm 2008 chuyển sang, tính đến thời điểm này, tổng sản lượng gạo xuất khẩu qua các hợp đồng đã ký lên tới 3,5 triệu tấn, tổng số lượng gạo phải giao theo các hợp đồng đã ký đến tháng 6 là 2,7 triệu tấn.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ này đến tháng 6/2009, khi hiện nay giá xuất khẩu gạo đang tăng từ 380 USD/tấn lên 430 USD/tấn. Trong khi ước tính các vùng có thể tự cân đối được lương thực và tổng sản lượng trên cả nước trong năm 2009 có thể dành cho xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hiện tại, giá lúa Vụ Đông Xuân các tỉnh ĐBSCL lúa tươi tại ruộng khoảng 3.900 - 4.000 đ/kg, lúa khô từ 4.700 – 4.800 tùy theo chất lượng, địa phương.
Giá gạo nguyên liệu có giảm nhẹ do lượng thu hoạch nhiều; giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.800 - 5.820 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 2 giá khoảng 5.720 đ/kg tùy từng địa phương.
Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tăng nhẹ so với tuần trước, hiện khoảng 7.200 – 7.250 đ/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.800 đ/kg, gạo 25% tấm tăng 100 đồng, ở mức 6.200 – 6.250 đ/kg.
Ước tính, tính đến hết quý 1, Việt Nam xuất khẩu 1,76 triệu tấn gạo, tăng 71,3% về sản lượng và 76,2% giá trị (785 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo Quyết định số 05/QĐ/HHLTVN ngày 26/03/2008 của Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam:
Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo các loại cho thương nhân nước ngoài phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới được lập Tờ khai hải quan để xuất khẩu. Các doanh nghiệp này không được đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký các hợp đồng tập trung với Việt Nam (bao gồm NFA – Philippines; Bulog – Indonesia; Alimport – Cuba; Bernas – Malaysia).
Tổng số lượng hoặc khối lượng gạo xuất khẩu được đăng ký của các doanh nghiệp không vượt quá cân đối định hướng từng quý của Bộ Công Thương trên chỉ tiêu định hướng xuất khẩu gạo do Chính phủ công bố.
Trong thời gian 3 ngày từ ngày ký hợp đồng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải gửi hợp đồng đã ký cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hiệp hội sẽ đăng ký hợp đồng hợp lệ trong vòng 1 ngày (8 giờ làm việc) kể từ ngày nhận được hợp đồng để doanh nghiệp làm thủ tục giao hàng hoặc có văn bản trả lời nếu không đăng ký.
Các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với số lượng xuất khẩu gạo lớn ảnh hưởng cân đối cung cầu, gây tác động bất lợi đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, Hiệp hội tham vấn ý kiến Bộ Công Thương trước khi trả lời doanh nghiệp.
Số lượng mỗi doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu gạo trắng các loại cho 6 tháng đầu năm 2008 không quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân 2 năm 2006 và 2007 (không kể số lượng hợp đồng tập trung và gạo nếp, gạo thơm).
Căn cứ vào kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, Hiệp Hội Lương thực Việt Nam sẽ nhận đăng ký tiếp số lượng xuất khẩu 6 tháng cuối năm cho các đơn vị trên cơ sở chỉ tiêu xuất khẩu được Chính phủ thông báo.
Đối với những doanh nghiệp chưa xuất khẩu trực tiếp trong năm 2006 và 2007, phải báo cáo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội xem xét cân đối nguồn hàng theo tiến độ giao hàng được Bộ Công Thương hướng dẫn, trước khi ký kết hợp đồng.
Gạo nếp và gạo thơm được đăng ký theo yêu cầu.
Khi đăng ký hợp đồng các doanh nghiệp phải kèm báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày