Trong năm 2011, khi giá gạo biến động thì nhiều nước đã nhập khẩu với số lượng lớn. Do đó, theo dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới trong năm 2012 sẽ giảm. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, khi thế giới giảm nhu cầu nhập khẩu gạo thì chắc chắn sẽ bị tác động.
Việt Nam có cơ hội tốt hơn
Trong bối cảnh chung đó, mỗi nước đều có những ưu thế và khó khăn riêng. Ấn Độ trong 4 tháng vừa qua đã vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chứ không phải là Thái Lan. Nguyên nhân chính là do dự báo trong niên vụ 2012 này Ấn Độ sẽ tiếp tục được mùa lớn, trong khi đó năm 2011 nước này mới bắt đầu mở cửa thị trường gạo của mình, tồn kho trong nước lại đang cao kỷ lục so với vài năm trở lại đây. Do đó, Ấn Độ đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Cùng thời gian trên, lượng gạo XK của Việt Nam đã bị tụt mất ngôi vị hàng đầu trong làng xuất khẩu gạo thế giới. Tất cả những động thái trên cho thấy, thị trường gạo của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Nguyễn Đình Bích- Chuyên gia lúa gạo, tư vấn chính sách của Agroinfo, vấn đề có thể được cải thiện trong thời gian tới. Bởi vì, theo số liệu thống kê mới đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Phi đã khả quan hơn. Thứ hai, Philippines là bạn hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua sắp trở lại thị trường, vì mùa mưa bão đang đến rất gần, buộc họ phải nhập khẩu trước thời điểm bão đến. Khi đó, gạo phẩm cấp thấp (25% tấm) sẽ có thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Trong khi, các thông tin chính thức từ phía Philipines thì vẫn nói rằng, năm 2011 chỉ nhập 860.000 tấn gạo thì chuyên gia Nguyễn Đình Bích lại có số liệu khác. Theo ông, đây không phải là thông tin xác thực. Các số liệu thống kê từ hải quan Việt Nam cho biết, năm 2011, riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 970.000 tấn gạo. Còn Thái Lan xuất khẩu sang thị trường này gần 200.000 tấn gạo. Như vậy, năm 2011 Philippines đã nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn gạo.
Hiện tại, Philippines thông báo năm 2012 chỉ nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Nhưng theo ông Bích, những thông tin này cũng không đáng tin cậy. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đây cũng đưa ra dự báo, năm 2012 Philippines có thể phải nhập 1,5 triệu tấn. FAO thì dự báo Philippines sẽ nhập 1,2 triệu tấn. Tất nhiên, với tư cách là người đi mua, bao giờ họ cũng muốn mua được với giá “mềm” nhất. Năm 2011 họ đã khá thành công trong chiến thuật này.
Bên cạnh đó, còn có một thị trường nữa là Indonesia. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay họ sẽ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Thương mại Indonesia lại nói rằng họ sẽ nhập 2 triệu tấn, nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia thì lại đưa ra nhận định, năm 2012 sẽ chỉ nhập khẩu gạo như dự kiến, chứ không phải như Bộ trưởng Thương mại nói. Điều đó cho thấy, những biến động trên thị trường gạo rất khó lường. Nhưng ông Bích cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện cạnh tranh tại 2 thị trường này.
Bởi vì đây là 2 thị trường gần với chúng ta, nếu giá gạo Việt Nam bằng với giá của Ấn Độ, Myanmar hoặc Pakistan thì chi phí vận tải gạo sang đây sẽ rẻ hơn, cho nên sức cạnh tranh sẽ cao hơn. Hơn nữa, đây là những thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều năm, điều này có nghĩa gạo Việt Nam đã có uy tín tại đây. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các bạn hàng truyền thống sẽ không dễ từ bỏ thị trường quen thuộc của mình. Với những lý do trên, hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn với Việt Nam.
Bám sát “tín hiệu” của thị trường
Vẫn theo ông Bích, nhu cầu gạo phẩm cấp thấp trong những năm vừa qua rất lớn, cho nên Việt Nam đã phát triển những giống lúa chất lượng thấp nhưng đạt năng suất cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo dự báo ngay trong năm 2012, nhiều nước nhập khẩu gạo lớn sẽ gia tăng đầu tư để sản xuất lúa của họ, giảm dần khối lượng gạo nhập khẩu. Nếu điều này trở thành hiện thực, thì đương nhiên cơ cấu, nhu cầu gạo trên thị trường cũng thay đổi theo. Gạo phẩm cấp thấp sẽ giảm, tỉ lệ gạo chất lượng cao sẽ tăng lên.
“Tôi tin rằng, doanh nghiệp cũng như nông dân nước ta sẽ bám sát theo những “tín hiệu” của thị trường, để chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp”, ông Bích đề xuất.
Chắc rằng, thời gian tới sản xuất lúa gạo Việt Nam cũng chuyển dịch theo nhu cầu thị trường thế giới, chúng ta sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ, chứ không phải làm những gì có sẵn.
Trong năm 2011, xuất khẩu gạo thơm của chúng ta đã tăng khá, tỉ lệ gạo phẩm cấp cao cũng sẽ dần tăng lên. Với gạo thơm xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, dù chất lượng có thể thấp hơn so với các nước khác trong khu vực, nhưng chúng ta có lợi thế là giá rất cạnh tranh. Cho nên, gạo của chúng ta vẫn có thể chiếm lĩnh được tại những thị trường này. Vấn đề quan trọng nhất bên cạnh chất lượng là giá thành. Do đó, khi hướng đến sản xuất gạo phẩm cấp cao, Việt Nam vẫn có “cửa” để xuất khẩu, chứ không đến mức không thể cạnh trạnh được.
Để giải quyết vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, các doanh nghiệp phải liên kết với người nông dân để sản xuất lúa gạo theo một quy trình kỹ thuật nhất định. Với quy trình tiến bộ đó, có thể kiểm soát được chất lượng gạo, kiểm soát dư lượng chất hóa học, có năng suất cao và giá cả cạnh tranh hơn. Nếu làm được như vậy thì mới nên nghĩ đến việc làm thương hiệu cho gạo Việt Nam.