So với cùng kỳ năm 2007, lượng gạo xuất khẩu tăng gần 7,8% và kim ngạch tăng hơn 60%. Dự kiến, trong hai tháng 5 và 6, lượng gạo xuất khẩu của cả nước sẽ ở mức xấp xỉ 650.000 tấn.

Do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và chi phí sản xuất tăng nên giá gạo trên thế giới tăng liên tục trong những tháng đầu năm nay. Trong tháng 2 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức 370 USD/tấn, đến tháng 3 đã ở mức 500-600 USD/tấn, vào tháng 4 lên 600-850 USD/tấn và hiện nay ở mức khoảng 1.000 USD/tấn. Tính chung giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt hơn 430 USD/tấn.

Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là các nước châu Á với gần 57% tổng lượng xuất khẩu, tiếp đến là châu Phi chiếm gần 21%; châu Mỹ (chủ yếu Cuba) chiếm hơn 12% và Trung Đông chiếm gần 8%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Trương Thanh Phong, đến nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong vụ đông xuân 2008 với sản lượng lúa ước đạt 9,3 triệu tấn. Đầu tháng 6 tới, Đồng bằng sông Cửu Long lại bước vào thu hoạch lúa hè thu sớm trên diện tích 400.000ha.

Dự báo đến tháng 9, lượng gạo xuất khẩu của cả nước có thể đạt 3,2 triệu tấn gạo và đến cuối năm có thể đạt 3,5 -4 triệu tấn gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định với mức xuất khẩu này, đất nước vẫn đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng.

Bộ này dự kiến, sản lượng lúa đông xuân cả nước đạt khoảng 17,6 triệu tấn, vụ hè thu đạt khoảng hơn 10,1 triệu tấn, cộng với lúa vụ mùa là 8,8 triệu tấn, thì cả năm 2008 sẽ đạt và vượt mức kế hoạch hơn 36 triệu tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu theo chỉ tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Theo kế hoạch trong tháng 5, các DN sẽ xuất khẩu từ 400.000 - 430.000 tấn gạo các loại. Trong đó hợp đồng tập trung là 300.000 tấn, còn lại là hợp đồng thương mại. Giá xuất khẩu gạo liên tục tăng trong thời gian qua, hiện nay đã trên 1.000 USD/tấn. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực VN, giá gạo thế giới sẽ còn tiếp tục tăng cho đến tháng 11-2008.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày