PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, nguyên cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết:
- Quốc gia nào cũng có nhu cầu về sữa, mà đòi hỏi sữa chất lượng cao, trong đó có sữa tươi thanh trùng, tỉ trọng càng nhiều càng tốt. Sữa chất lượng cao nhưng giá phải thấp để người dân, kể cả trẻ em, học sinh nghèo khó cũng có thể được dùng sữa.
Trên thế giới, nhiều nước như Nhật Bản hoặc ở châu Âu trẻ em được thường xuyên sử dụng sữa tươi thanh trùng, bởi các nước đó có chính sách phát triển đàn bò sữa nên có thể đáp ứng 100% nhu cầu sữa tươi trong nước. Ngay trong khu vực, đảo Đài Loan chỉ có trên 23 triệu dân nhưng sản lượng sữa tươi của họ đạt 885.000 tấn/năm, tức bình quân mỗi người dân có trên 38kg sữa tươi/năm. Còn ở ta dù mấy năm nay tỉ lệ đàn bò và sản lượng sữa đã tăng, nhưng với 120.000 con và sản lượng 250.000 tấn sữa tươi/năm thì dân ta mới chỉ đạt 2,9kg sữa tươi/người/năm.
Ở VN sữa tươi quá ít chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa, vì thế phải nhập sữa bột về hoàn nguyên thành sữa nước, trong khi đó 1kg sữa bột sẽ pha chế ra 8,3 lít sữa nước thành phẩm. Hiện với sản lượng khoảng 250.000 tấn, ta chỉ đáp ứng 21,5% nhu cầu sản xuất và suốt mấy năm nay vẫn chỉ dao động 21-22%, còn lại phải nhập khẩu gần 80%.
* Vậy, theo ông, cần làm gì để phát triển đàn bò sữa?
- Hai năm trước Cục Chăn nuôi từng kiến nghị đưa các giải pháp để đẩy mạnh, phát triển đàn bò sữa. Nhưng để thực hiện các chính sách này cần nhiều chính sách khác liên quan như chính sách hỗ trợ người dân từ vốn, khoa học kỹ thuật chăn nuôi, chính sách về đất đai...
Bên cạnh đó, cũng cần phát động những chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị về sữa tươi thanh trùng và có chính sách để kích nhu cầu sử dụng sữa tươi trong dân, trong đó chú trọng đến “chính sách sữa học đường”. Cụ thể, các thành phố lớn nên có kinh phí để đưa sữa tươi thanh trùng vào trường học cho học sinh dùng miễn phí. Lúc đó cầu lớn sẽ kích được cung.
Nhà nước cũng nên có “quota” cho nhập sữa bột. Chẳng hạn một doanh nghiệp nhập sữa bột phải cam kết thu mua bao nhiêu sữa tươi trong nước cho dân. Lúc đó nhu cầu tăng, giá cả hợp lý sẽ thúc đẩy được phát triển đàn bò sữa trong nước. Còn hiện tại do nhiều yếu tố, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá thu mua sữa tươi lại giảm không đảm bảo đời sống người chăn nuôi. Cần phải có chính sách đồng bộ, thực hiện quyết liệt mới hi vọng trong 8 - 10 năm nữa ta mới có  tỉ lệ cung cấp sữa tươi đạt 40% như các nước khác trong khu vực.
* Còn chính sách thuế nhập khẩu sữa bột có phải điều chỉnh để đảm bảo có lợi cho ngành chăn nuôi cũng như quyền lợi người tiêu dùng?
- Gia nhập WTO là ta đã cam kết không có sự hỗ trợ trực tiếp nông dân. Nhưng ta vẫn có thể hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa thông qua công tác khuyến nông, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện môi trường chăn nuôi... Còn việc điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa cần được đưa trở lại mức thuế suất như đã cam kết với WTO là 20% đối với sữa nguyên liệu và 30% đối với sữa thành phẩm, thay vì 10 - 15% như hiện nay.
Theo tôi, ngoài các chính sách hiện có về giống bò sữa, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, thú y... đặc biệt cần có chính sách kích cầu thị trường như thông qua chương trình sữa học đường, tuyên truyền lợi ích về sử dụng sữa tươi thanh trùng, đặc biệt triển khai áp dụng việc sử dụng “quota” trong thu mua sữa của dân. Cụ thể, một nhà máy chế biến sữa phải mua sữa tươi trong nước ở mức nào đó thì được nhập một tỉ lệ sữa bột tương ứng. Có như thế các nhà máy chế biến sữa có trách nhiệm thu mua sữa tươi trong nước.
Có thể nợ tiền dân chứ không để sữa phải đổ bỏ
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cơ quan này rất lo lắng trước tình hình sữa tươi đang bị “tẩy chay”, người chăn nuôi bò sữa ở phía Bắc lao đao do sữa bị ế.
Tuần trước, Cục Chăn nuôi đã họp các doanh nghiệp sữa đề nghị cùng với người chăn nuôi chia sẻ những khó khăn trong cơn bão melamine bằng cách đẩy mạnh thu mua sữa trong dân. Thậm chí nếu doanh nghiệp thiếu tiền có thể nợ dân chứ không nên để tình trạng người dân không có điều kiện lưu giữ, bảo quản sữa phải đổ đi.
Trong khi đó, khảo sát một số vùng nuôi bò sữa tại TP.HCM và Long An cho thấy các công ty hiện vẫn giữ nguyên chính sách và giá mua sữa.
(TT)

Nguồn: Internet