Thời gian qua đóng góp của các khu kinh tế cửa khẩu là rất lớn trong phát triển kinh tế, giao thương giữa Việt Nam và các nước láng giềng... Trong tương lai sẽ hình thành một vành đai kinh tế biên giới vững mạnh ổn định cho thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước xung quanh.

Mục tiêu nhắm tới là xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến năm 2020 cả nước sẽ có 30 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó hình thành thêm 7 khu kinh tế cửa khẩu mới trên các khu vực biên giới.

Xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách cho 9 khu kinh tế cửa khẩu: Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp để đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đạt 42 - 43 tỷ USD.

Các khu kinh tế cửa khẩu hoạt động trong giai đoạn này sẽ phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 5,7 - 6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 7, 7 - 8 tỷ USD. Về du lịch, các cửa khẩu sẽ đón khoảng 2,9 đến 3 triệu lượt khách từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước láng giềng qua các khu kinh tế cửa khẩu, trong đó khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 1,2 - 1,3 triệu lượt và 1,7 - 1,8 triệu lượt khách từ các nước vào Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập, đồng thời xây dựng đề án và thành lập thêm 3 khu gồm khu kinh tế cửa khẩu La Lay (Quảng Trị), Đắk Per (Đắk Nông) và Đắk Ruê (Đắk Lắk).

Mục tiêu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu đến năm 2020 đạt 42 - 43 tỷ USD, đón 7,8 - 8 triệu lượt khách du lịch đi lại 2 chiều.Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào và Campuchia và đó là 3 nền kinh tế khác nhau nhiều mặt nên việc định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở 3 khu vực khác nhau.

Đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Từng bước quy hoạch phát triển các tuyến trục giao thông nối liền các khu kinh tế cửa khẩu với nội địa, với các cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu của Trung Quốc. Tập trung ưu tiên đối với các khu kinh tế cửa khẩu là đầu mối hành lang kinh tế liên vùng, quốc tế như khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai và Lạng Sơn.

Tại các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Lào, đây sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ vào thị trường các tỉnh Trung, Bắc Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Sự phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu khu vực này sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và hợp tác phát triển trong Tiểu khu vực Mê Kông. Trước mắt tập trung ưu tiên đối với các khu kinh tế cửa khẩu được xác định sẽ là đầu mối hành lang kinh tế Đông - Tây gồm: khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Bờ Y.

Khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Campuchia sẽ là điểm nhấn trong hợp tác phát triển của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và hành lang kinh tế đường Xuyên á. Sẽ tập trung ưu tiên đối với các khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp.

Từ nay đến năm 2015 sẽ quy hoạch bổ sung thêm khu kinh tế cửa khẩu Long An và giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 sẽ bổ sung thêm khu kinh tế cửa khẩu Đắk Per ở Đắk Nông, Đắk Ruê ở Đắk Lắk.

Hiện nay sẽ tiếp tục đầu tư phát triển 8 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập gồm: khu kinh tế cửa khẩu đường 19 ở Gia Lai, Bonuê ở Bình Phước, Mộc Bài, Xa Mát, Khánh Bình và Hà Tiên.Nguồn vốn xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra các khu kinh tế cửa khẩu sẽ được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai, vốn tín dụng ưu đãi và các trợ giúp kỹ thuật khác và thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO... Các khu kinh tế cửa khẩu sẽ được áp dụng chính sách ưu tiên trong kêu gọi đầu tư vốn.

Các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi trong việc xuất, nhập khẩu và xuất, nhập cảnh... Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu kinh tế cửa khẩu sẽ là một bước đi mạnh trong việc ngăn chặn hàng hoá nhập lậu.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam