Ngành dệt may có cơ hội để gia tăng xuất khẩu nhiều chủng loại sản phẩm vào thị trường châu Phi – khu vực có nhu cầu nhập khẩu khá lớn, mà doanh nghiệp Việt Nam gần như còn bỏ ngỏ.

Liên minh Thuế quan miền Nam châu Phi (Sacu) đang có những biến chuyển mạnh mẽ về mặt kinh tế và được đánh giá là khu vực nhiều tiềm năng tại châu Phi đối với hàng hoá xuất khẩu của nhiều nước. Đây chính là động lực cho hàng dệt may Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường này.

Bộ Công Thương cho biết, trong 5 quốc gia thành viên Sacu, Nam Phi có nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với kim ngạch 2,7 tỉ USD năm 2010. Quốc gia này đang phải nhập khẩu phần lớn hàng dệt may phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tiếp theo, Lesotho đứng thứ hai, với kim ngạch nhập khẩu trên 140 triệu USD năm 2010…

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương Nam Phi, năm ngoái, 5 quốc gia có hàng dệt may xuất khẩu nhiều nhất sang Nam Phi là: Trung Quốc (1,47 tỉ USD), Ấn Độ (164 triệu USD), Pakistan (110 triệu USD), Mauritus (87 triệu USD) và Đức (trên 86 triệu USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 nước này đạt gần 2 t ỉ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Nam Phi.

Mặc dù Việt Nam là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song sự hiện diện của nhóm hàng này tại thị trường châu Phi còn khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, Nam Phi là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối, nhưng mới đạt 22,73 triệu USD trong năm 2010.

Một thuận lợi lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào châu Phi là Việt Nam và các nước thành viên Sacu đều đã gia nhập WTO, nên doanh nghiệp dệt may có thể tự do xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Với chủ trương đa dạng hoá thị trường, nhằm tránh rủi ro khi tập trung nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, rõ ràng là mở rộng thâm nhập thị trường châu Phi được xem là cần thiết và khả thi.

(ĐTNN)

Nguồn: Internet