Với những nỗ lực của toàn ngành, dệt may đã vượt qua điện thoại để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
Trong tháng 7, ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng ổn định, với sản lượng quần áo đạt 265,9 triệu cái, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên đạt 30,1 triệu m2, tăng 20,2%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 71,6 triệu m2, tăng 19,1%. Tính chung 7 tháng, quần áo tăng 10,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 3,2%.
Với những nỗ lực của toàn ngành, dệt may đã vượt qua điện thoại để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trong tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ, (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tháng 7 đạt 1,6 tỷ USD). Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 11,48 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhằm giảm bớt nhập khẩu, từng bước tăng cường tỷ lệ nội địa hóa cho hàng dệt may xuất khẩu, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam trao đổi và bàn các giải pháp liên kết với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các bên, đặc biệt là hợp tác trong việc sản xuất xơ, sợi Polyester cung ứng cho ngành dệt may để nâng cao giá trị gia tăng, lợi nhuận và thu nhiều ngoại tệ về cho đất nước.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng hai con số: xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14,85%; thị trường châu Âu tăng trên 26%; thị trường Nhật Bản tăng 13,82%; thị trường Hàn Quốc tăng 36%.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử