·        Ước tính xuất khẩu tiêu trong tháng 8 đạt 7 ngàn tấn, cao hơn so với tháng 7 với kim ngạch 57 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu 83 ngàn tấn tiêu, trị giá 581 triệu USD, giảm 16,7% về lượng, nhưng tăng 3,7% về giá trị so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 13,5% thị phần), Đức (11,5%) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (8,7%). Do nguồn cung trong nước hạn chế nên xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ giảm đi so với những tháng đầu năm. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 6.855 đô la/tấn, tăng 25,3% so với năm trước

·        Xuất khẩu cà phê 8 tháng ước đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ USD, tăng 31,9% về lượng và 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (chiếm tỷ trọng giá trị 12,5%) và Đức (12,4%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia và Mexico có tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt gấp khoảng 9 lần và 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2011 . Dự báo , thời gian tới xuất khẩu cà phê có thể giảm do hạn chế nguồn cung và sẽ tăng mạnh khi vụ thu hoạch bắt đầu vào những tháng cuối năm.

·        Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 5,5 triệu tấn, với giá trị 2,48 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,5% về lượng nhưng giảm 8,5% về giá trị.  Thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều thị trường lớn khác lại sụt giảm cả về lượng và giá trị như Philippines, Indonesia, và Singapore.

·        Dù số lượng có tăng ở nhiều thị trường lớn nhưng do giá xuất khẩu cao su đang ở mức thấp nên giá trị không tăng mạnh so với năm trước. Ước xuất khẩu cao su 8 tháng đạt 595.000 tấn, thu về 1,78 tỷ USD, tăng 34,5% về lượng và 29,1% về giá trị.

·        Xuất khẩu chè 8 tháng đạt khoảng 92.000 tấn, trị giá 140 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Pakistan tiếp tục giữ vị trí thứ nhất với 16,5% thị phần, các thị trường lớn khác cũng đều tăng trưởng. Giá bình quân đạt 1.493 USD/tấn, xấp xỉ bằng mức giá xuất khẩu của cùng kỳ năm trước (1.492 USD/tấn

·        Xuất khẩu thủy sản 8 tháng ước đạt 4 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.

·        Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay ước đạt trên 10,8 tỉ USD, tăng trên 6%. Ngành này nhập khẩu 7,3 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2012, giảm trên 3%. Trong đó, nhập khẩu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu dệt may là 5,5 tỉ USD, giảm trên 7%. Như vậy, mặt hàng dệt may của Việt Nam có mức xuất siêu trên 5,3 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu của cả năm 2011 đối với dệt may là 6,5 USD. Mức xuất siêu của ngành tăng cao, một phần là do giá nguyên liệu đầu vào năm nay giảm so với năm trước.

 

Nguồn: Vinanet