Theo đó, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý để người dân không hoang mang, không đổ xô mua lương thực dự trữ, làm cho thị trường gạo bị khan hiếm giả tạo và đẩy giá lên cao. Các ngành, các cấp có liên quan khẩn trương phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán lúa gạo trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua gom gạo hoặc găm trữ hàng để đầu cơ, làm mất ổn định thị trường.

Sáng 28/4, các đơn vị cung ứng gạo của tỉnh Vĩnh Long là Công ty Cổ phần lương thực- thực phẩm Vĩnh Long và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long đưa gạo ra đáp ứng nhu cầu của thị trường thông qua các hệ thống bán lẻ, hệ thống đại lý và các siêu thị đã có, mở thêm điểm cung ứng gạo lưu động, bán buôn tại kho và kiểm soát giá bán lẻ của các đại lý... với giá bán từ 10.000 đến 13.000 đồng/kg tùy theo loại gạo, thấp hơn giá thị trường tự do tại các chợ trong tỉnh cùng ngày từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg tùy theo từng loại gạo.

Cũng trong sáng 28/4, Công ty xuất nhập khẩu lương thực Trà Vinh mở 2 điểm bán gạo lẻ tại số 65 đường Võ Thị Sáu, phường 3 và tại 68 đường Bạch Đằng phường 4, thị xã Trà Vinh (Trà Vinh). Thời gian phục vụ từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, mỗi người mua được 10 kg gạo thường với giá 11.000 đồng/kg.

Tại Đồng Tháp, do có sự can thiệp kịp thời của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong tỉnh nên sáng 28/4, tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn đều đầy ắp gạo các loại, nhưng rất vắng người mua. Tuy nhiên, giá gạo vẫn chưa giảm và đang ở mức 15.000 đến 16.000 đồng/kg loại gạo ngon (chợ TP Cao lãnh, thị xã Sa Đéc, chợ huyện Cao Lãnh); 18.000 đồng/kg tại chợ huyện Lai Vung...

Tỉnh Đồng Tháp khẳng định không thiếu lương thực do vụ lúa đông xuân vừa mới thu hoạch xong và trúng mùa, sản lượng lúa hàng hóa lớn (700.000 tấn); vụ lúa hè thu cũng sắp bắt đầu thu hoạch lúa sớm nên không thể thiếu gạo. Các ngành chức năng của tỉnh đang khẩn trương tìm ra nguyên nhân gây nên cơn sốt ảo lương thực tại tỉnh, có biện pháp xử lý thích đáng; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong tỉnh can thiệp kịp thời nhằm bình ổn giá gạo trong thời gian ngắn nhất.

Để góp phần bình ổn giá gạo trên địa bàn, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo các công ty xuất khẩu phải xuất kho 40.000 tấn gạo, bán đúng giá thị trường cho người dân với giá 9.500-12.000 đồng/kg; đồng thời, chỉ đạo Công an, Sở Công thương và Cục thuế rà soát lại thị trường và xử lý nghiêm những đối tượng “găm” hàng chờ giá, gây khan hiếm gạo trên thị trường. Tỉnh khuyến cáo người dân không nên nôn nóng, đổ xô mua gạo gây áp lực nguồn hàng đối với các đại lý. Trong một vài ngày tới, giá gạo sẽ bình ổn trở lại. Kiên Giang có sản lượng lúa hàng năm cao nhất đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 3 triệu tấn lúa; chỉ riêng vụ đông-xuân, đã thu hoạch khoảng 2 triệu tấn. Vì vậy, không có chuyện thiếu gạo phục vụ nhu cầu người dân./.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam