Trước bối cảnh lượng đường tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp trong ngành mía đường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý với kiến nghị xuất khẩu của Hiệp hội mía đường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo công văn số 338/BNN - CB gửi Bộ Công Thương, trước mắt Bộ NN&PTNN chỉ đồng ý cho xuất khẩu 100 -150 nghìn tấn so với đề xuất 250 nghìn tấn của hiệp hội.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng cung đường năm 2012 vào khoảng 1,57 triệu tấn, bao gồm 1,4 triệu tấn sản lượng, 100 nghìn tấn tồn kho và 70 nghìn tấn nhập khẩu theo thỏa thuận gia nhập WTO. Trong khi đó, tổng cầu trong nước khoảng 1,4 triệu tấn và luân chuyển cuối năm là 100 nghìn tấn.
Như vậy, Bộ NN&PTNT ước tính, tổng lượng dư cung đường năm nay là 70 nghìn tấn chứ không lên đến khoảng 300 nghìn tấn như Hiệp hội ước tính.
Phía Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, khả năng dư đường năm 2012 sẽ cao hơn rất nhiều so với con số 70 nghìn tấn do hàng năm lượng đường nhập lậu rất lớn, nhất là từ Thái Lan. Trong khi, lượng đường các nhà máy cung ứng ra thị trường thực tế thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Như vậy, năm 2012, sản lượng đường sản xuất và lượng đường tồn kho lớn, làm ứ đọng vốn trong điều kiện tín dụng thắt chặt đã khiến các nhà máy đường gặp rất nhiều khó khăn về vốn sản xuất.
Để giảm áp lực trong khâu lưu thông và tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn phục vụ sản xuất, Bộ đồng ý trước mắt cho xuất khẩu đường với số lượng 100 - 150 nghìn tấn.
Đồng thời, Bộ đồng ý với thời gian thực hiện nhập khẩu 71 nghìn tấn đường trong hạn ngạch thuế quan bắt đầu từ tháng 6/2012 do từ nay tới tháng 5 là chính vụ sản xuất, lượng đường tồn kho nhiều, các doanh nghiệp sản xuất đường gặp khó khăn về vốn cho sản xuất nên cần ưu tiên để tiêu thụ đường trong nước.
Do đặc điểm của ngành đường là sản xuất 6 tháng nhưng tiêu thụ cả năm, để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá đường trong nước, Bộ NN&PTNT cũng vừa đề nghị Chính phủ cho tạm trữ 200 nghìn tấn đường với thời hạn 6 tháng với cơ chế tạo điều kiện cho các nhà máy tăng hạn mức tín dụng tương ứng với số lượng đường tạm trữ để đảm bảo vốn sản xuất.
Về dài hạn, để đảm bảo sản xuất ổn định, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công Thương xây dựng chiến lược xuất khẩu đường từ nay tới năm 2020.
Bộ NN&PTNT giải thích, thời gian qua, tất cả các nhà máy đường trong nước đều mở rộng công suất, nên sản lượng đường sản xuất hàng năm sẽ vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mặt khác, theo Hiệp định đối tác của Chính phủ với 2 nước Lào và Campuchia, nên hiện nay một số doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy đường tại nước bạn và đường sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ tại Việt Nam. Như vậy, từ năm tới, lượng đường sản xuất trong nước sẽ luôn vượt so với nhu cầu tiêu thụ.
(KTSG)