Trong những năm tới các giống gạo hạt dài chiếm khoảng 3/4 thương mại lúa gạo toàn cầu. Gạo hạt dài được nhập khẩu bởi nhiều nước ở Nam và Đông Nam Á, Trung Đông và phần lớn các nước vùng Sahara - châu Phi, châu Mỹ Latinh. Gạo hạt ngắn và hạt trung bình được nhập chủ yếu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ... Gạo thơm như Basmati (chủ yếu từ Ấn Độ) và Jasmine được các nước có thu nhập cao nhập khẩu.
Trong giai đoạn 2007 - 2017, tiêu dùng gạo thế giới tăng phần lớn là do nhu cầu nhập khẩu tăng ở Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Philippines và tiểu vùng Sahara của châu Phi (chiếm khoảng 2/3 mức tăng cầu toàn thế giới). Nguyên nhân là do dân số tăng (ở Indonesia và Bangladesh) và mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người tăng (ở các nước Tây bán cầu, Trung Đông và trường hợp Philippines của châu Á).
Cũng trong giai đoạn 2007 - 2017, các nước sản xuất gạo ở châu Á - Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ - tiếp tục là nguồn cung cấp gạo xuất khẩu chính của thế giới. Riêng xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Việt Nam xuất khẩu gạo hạt dài là chủ yếu. Thái Lan xuất khẩu gạo thơm, gạo hạt dài đặc biệt và gạo nếp. Nguồn cung của hai nước này tăng, do sản lượng gạo tăng, nhờ năng suất lúa được cải thiện và tiêu dùng gạo bình quân đầu người trong nước có xu hướng giảm.
Trong khi đó, thị phần gạo xuất khẩu dự báo sẽ giảm ở Hoa Kỳ, Pakistan và Trung Quốc.
Tác nhân dự trữ
Dự trữ lúa gạo trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh, làm tăng mạnh thương mại lúa gạo toàn cầu, tăng đột biến giá gạo xuất khẩu, đặc biệt trong năm 2007 và đầu năm 2008.
Sản lượng gạo của Trung Quốc giảm hơn 4 triệu tấn, kéo theo lượng dự trữ giảm. Đây là nguyên nhân chính làm sụt giảm tổng dự trữ lúa gạo toàn cầu. Tỷ lệ dự trữ/sử dụng của Trung Quốc dự báo giảm từ 18,7% trong năm 2007/2008 xuống còn 16,2% năm 2016/2017, mức thấp nhất kể từ năm 1974/1975.
Lượng gạo tồn kho cuối cùng của Thái Lan cũng giảm từ 4.124.000 tấn của vụ mùa 2007/2008 xuống còn 1.918.000 tấn vào năm 2017. Của Việt Nam, năm 2007/2008 là 2.511.000 tấn, dự kiến 2017 giảm 67,7%.
Mức dự trữ gạo thấp như hiện nay sẽ càng làm tăng rủi ro về giá (cao) trong tương lai. Tuy nhiên, theo FAO, giá sẽ chỉ tăng đến mức cao nhất vào năm 2009, sau đó giảm dần và bình ổn trở lại trong giai đoạn từ 2010 - 2017.

Nguồn: Internet