Nhìn chung, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của thi jtrường châu phi không đòi hỏi khắt khe như các thị trường khác. Hơn thế nữa, châu phi là thị trường cung cấp nhiều nguyên liệu sản xuất như: gỗ, bông, hạt điều thô, kim loại, vàng nguyên liệu... cho Việt Nam. Ngoài trao đổi thương mại, hiện Việt Nam đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với một số nước châu Phi như Algeria...

Đại sứ Việt Nam tại Nigeria cho biết về tiềm năng của thị trường Nigeria nói riêng và Châu Phi nói chung đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, hiện kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nigeria mới chỉ ở mức 50-70 triệu USD/năm. Nigeria vốn là nước nông nghiệp và có thời kỳ nông nghiệp phát triển rất mạnh, nhưng do gần đây họ tìm được dầu thô, nên phần nào coi nhẹ phát triển nông nghiệp. Vì thế, vấn đề an ninh lương thực đang bị đe doạ và nước này đang phải nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

Hàng năm, Nigeria nhập khẩu gạo chủ yếu từ Thái Lan. Gần đây, nhiều doanh nghiệp Nigeria đã sang Việt Nam tìm hiểu và thấy gạo Việt Nam rẻ hơn gạo Thái, nên họ có ý định muốn nhập gạo của ta.

Trong chuyến làm việc chính thức mới đây, Nigeria đã đặt mua 250.000 tấn gạo Việt Nam. Theo ông gạo là mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam vào nước này.

Trên thực tế, Nigeria vẫn là quốc gia đáng phát triển và có dân số đông (với 140 triệu người) nên nhu cầu về hàng tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng, hiện hàng Trung Quốc với nhiều chủng loại khác nhau đang chiếm lĩnh thị trường Nigeria. Đây chính là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Phải nhìn nhận một thực tế là, phương thức thanh toán tại Nigeria rất phập phù và chứa đựng nhiều rủi ro, vì tại Nigeria có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chưa đàng hoàng. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn cảnh giác và chưa mặn mà với thị trường này.

Theo ông, vẫn có nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam xuất sang thị trường này. Điều quan trọng là chọn hướng đi phù hợp.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Nigeria, theo đại sứ, cần giải quyết bài toán khả năng thanh toán, phải có thoả thuận với họ về phương thức thanh toán. Muốn như vậy, doanh nghiệp vẫn phải nắm vai trò chủ động. Trên thực tế, người Nigeria rất năng động và hiện có khá nhiều doanh nhân Nigeria sang Việt Nam trực tiếp tìm hàng hoá, mua và đóng container chở về nước để kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận với đối tượng này trước để làm cơ sở tiến vào thị trường.

Nguồn: Vinanet