Những tháng đầu năm 2012, thị trường ghi nhận mặt hàng hồ tiêu tăng giá liên tục. Như thế, ắt hẳn ai cũng nghĩ DN và nông dân hoạt động trong lĩnh vực hồ tiêu sẽ rất vui mừng. Song trên thực tế, việc hồ tiêu tăng giá đang gây ra nhiều khó khăn trong ngành.
Theo các chuyên gia, giá hồ tiêu có đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay do nhiều thông tin nhận định về sự sụt giảm nguồn cung tại 2 nước có sản lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất thế giới là Việt Nam và Ấn Độ. Những nhận định này hoàn toàn phù hợp với thực tế vì trong vụ thu hoạch đầu năm, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã ghi nhận mức độ sụt giảm nguồn cung vào khoảng 15% so với cùng kỳ.
Thị trường Ấn Độ cũng cho biết sản lượng hồ tiêu ở nước này đã giảm khoảng 10%. Song song đó, yếu tố thúc đẩy hồ tiêu tăng giá còn xuất phát từ việc hồ tiêu được đưa lên sàn giao dịch Singapore. Các DN xuất khẩu hồ tiêu cho biết đầu năm nay giá xuất khẩu bình quân vào khoảng 6.971USD/tấn, tăng hơn 2.000USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong gần 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu đạt gần 7.000 tấn với tổng giá trị đạt khoảng 47 triệu USD, tăng 16,3% về khối lượng và 64,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việc giá hồ tiêu xuất khẩu tăng lên đã kéo giá bán trong nước tăng theo.
Hiện nay, mức giá dao động tại thị trường trong nước đang vào khoảng 125.000-130.000 đồng/tấn. Giá tăng là một dấu hiệu vui nhưng thị trường trong nước lại bắt đầu xuất hiện tình trạng nông dân găm hàng, khiến mặt hàng hồ tiêu ngày càng khan hiếm. Theo khảo sát của VPA, các hộ nông dân trồng hồ tiêu hiện nay chỉ bán nhỏ giọt để có đủ chi phí dành cho chi tiêu, sản xuất mà không bán hết lượng hàng thu hoạch được.
Thậm chí, một số hộ còn thu gom hàng ở các vườn khác tạm trữ chờ giá cao để bung hàng kiếm lời khiến DN rất khó khăn trong việc tìm nguồn hàng xuất khẩu. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này, hồ tiêu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng về uy tín cũng như không thể tránh khỏi việc một quốc gia nào đó sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng, giành lấy những thị trường trọng điểm.
Theo nhận định của VPA, khó khăn hiện nay của ngành hồ tiêu là diện tích sản xuất hồ tiêu còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ nên chưa ổn định được sản lượng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, giữa các nhà thu mua và nông dân vẫn chưa có tiếng nói chung, chưa có sự hợp tác chặt chẽ để đạt được lợi ích cho cả đôi bên. Vẫn còn xảy ra tình trạng đơn vị thu mua ép giá khi sản lượng thừa còn người sản xuất găm hàng khi thị trường tăng giá.
Tâm lý mua bán kiểu chủ nghĩa cơ hội đang khiến ngành hồ tiêu phát triển kém ổn định và không tận dụng được cơ hội để gia tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã chú trọng tạo điều kiện để người sản xuất và nhà thu mua giao lưu hợp tác, tạo kênh thông tin thông suốt giữa hai phía nhằm chủ động trong hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được việc này, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp kết nối người nông dân và các DN nhanh hơn, trước khi thị trường thế giới quay lưng với hồ tiêu Việt Nam.