Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu tháng 1/2012 gặp một số khó khăn do lượng và giá nhiều mặt hàng giảm mạnh. Cụ thể như: Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 2,27 tỷ USD, giảm 33,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,23 tỷ USD, tăng 7,9%. Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011 (tháng có Tết Nguyên đán) thì tốc độ tăng là 31,8%, trong đó: khu vực 100% vốn trong nước tăng 8,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 49,2% (do tập trung chủ yếu vào nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện).
Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,24 tỷ USD, giảm 29,4%; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 669 triệu USD, giảm 7,0%; kim ngạch nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,0%. Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011 thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng 1,8%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 64,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 13,4%.
Xét về giá, so với cùng kỳ, giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tương đương, chỉ có mặt hàng cao su có giá xuất khẩu giảm mạnh do bạn hàng lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu cao su, giá xuất khẩu hạt tiêu tăng làm kim ngạch mặt hàng này tăng 50,6%; giá xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản mà trong đó giá dầu thô tăng 21,3%, giá than đá giảm 37,1%.
Xét theo thị trường, so với cùng kỳ, xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm: xuất khẩu vào Châu Á giảm 10,5% và chiếm tỷ trọng 49,3%; Châu Âu giảm 13,6% và chiếm tỷ trọng 21,1%; Châu Mỹ giảm 10,8% và chiếm tỷ trọng 21,7%; Châu Phi giảm 14,8% và chiếm tỷ trọng 1,1%. Xuất khẩu vào một số thị trường chính như: Nhật Bản giảm 10,3% và chiếm tỷ trọng 10,8%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 10,9% và chiếm tỷ trọng 10,9%; xuất khẩu thị trường Mỹ giảm 11,1% và chiếm tỷ trọng hơn 18,5%; xuất khẩu vào EU giảm 14,1% và chiếm tỷ trọng gần 19,0%.
Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011 thì xuất khẩu vào các thị trường chính như: thị trường ASEAN tăng 19,2%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 51,6%; thị trường Trung Quốc tăng 29,4%; thị trường Mỹ tăng 71,2%; xuất khẩu vào EU tăng 74,7%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực 100% vốn trong nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 35,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,2%. Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011 (tháng có Tết Nguyên đán) thì kim ngạch nhập khẩu ước tăng 7,9%, trong đó: khu vực 100% vốn trong nước giảm 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,3%. Nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm mạnh.
Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011 thì nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 4,6%; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu giảm 24,7%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu tăng 90,5% (do điện thoại di động tăng 1,4 lần; xe máy nguyên chiếc tăng 1,6 lần; nhóm hàng tiêu dùng tăng 88,6%).
Xét theo thị trường, nhập khẩu từ thị trường Châu Á giảm 18,9% và chiếm tỷ trọng khoảng 77,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó: ASEAN giảm 19,9%, chiếm tỷ trọng 18,5%, Trung Quốc giảm 17,9%, chiếm tỷ trọng 22,7%, Hàn Quốc giảm 18,6%, chiếm tỷ trọng 12,4%, Nhật Bản giảm 19,1%, chiếm tỷ trọng 9,4%; nhập khẩu từ thị trường Châu Âu giảm 18,6%, chiếm tỷ trọng 10,7%, trong đó EU giảm 17,2% và chiếm tỷ trọng 6,7%.
Nếu so sánh với tháng 02 năm 2011, nhập khẩu từ một số thị trường chính đều tăng nhưng tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu. Cụ thể: nhập khẩu từ thị trường Châu Á tăng 8,7%, trong đó: ASEAN tăng 1,2%, Trung Quốc tăng 21,9%, Hàn Quốc tăng 7,7%, Nhật Bản giảm 3,6%; nhập khẩu từ thị trường Châu Âu tăng 44,8%, trong đó EU tăng 23,2%.
Như vậy, về cán cân thương mại: nhập siêu tháng 01 ước khoảng 100 triệu USD, bằng 1,54% kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường trong nước tháng 1/2012 nhộn nhịp hơn so với tháng 12 nhưng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán của các năm trước đây thì không khí mua sắm tết trên thị trường kém sôi động hơn và cũng sát tết hơn một phần do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu của người dân và một phần do việc các doanh nghiệp trả lương, thưởng vào những ngày cuối cùng trong năm. Điều khác biệt trên thị trường Tết năm nay là hàng Việt Nam có số lượng áp đảo và được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá một số mặt hàng có cao hơn năm trước. Nguồn cung hàng hoá phục vụ tết lại rất phong phú, đa dạng và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng. Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường trong dịp Tết được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng ước đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,03%). Nếu xét theo thời gian của tháng Tết Nguyên đán thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 30,0% so với tháng 02 năm 2011.
Do nguồn cung hàng hóa dồi dào đã ảnh hưởng tích cực đến giá cả thị trường trong dịp Tết và những ngày sau Tết. Giá cả hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước chỉ tăng 1,0% so với tháng 12 năm 2011 (đây là mức tăng thấp so với tháng đầu năm của các năm trước đây), trong đó: nhóm may mặc và giày dép có mức tăng cao nhất 1,97% do thời tiết các tỉnh miền Bắc cùng với nhu cầu mua sắm dịp cuối năm, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,71%, các nhóm còn lại mức tăng từ 0,02% đến 1,41% và riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,01%. Chỉ số giá tiêu dùng và tổng mức bán lẻ phản ánh thực tế chặt chẽ chi tiêu của đại bộ phận người dân trong bối cảnh kinh tế cả nước khó khăn. Sau Tết, sức mua hàng hóa trên thị trường chùng lại và có xu hướng tiếp tục giảm.