• Rủi ro về thời tiết ảnh hưởng tới sản lượng gạo Indonesia
  • Nhưng Bulog cho biết dự trữ gạo vẫn ở mức bình thường
  • Thái lan nỗ lực giảm dự trữ gạo

(VINANET) – Chủ tịch cơ quan thu mua lúa gạo Indonesia, Bulog, cho biết, Indonesia muốn mua gạo Việt Nam và Ấn Độ nếu buộc phải nhập khẩu gạo trong năm nay, bởi những nước này chào bán gạo chất lượng tốt mà giá lại rẻ.

Thái lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cho biết họ đã ký những hợp đồng bán 7,3 triệu tấn gạo dự trữ cho các chính phủ nước ngoài, nhưng các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Philippine phủ nhận, nói rằng họ không ký hợp đồng nào.

Thời tiết khô hạn có nguy cơ ảnh hưởng tới sản lượng ngũ cốc của Indonesia, nơi Bulog thường duy trì mức dự trữ gạo khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu tấn bằng việc thu mua trên thị trường nội địa hoặc từ những nước xuất khẩu trong khu vực.

“Giá gạo (Ấn Độ và Việt Nam) thường rẻ hơn những xuất xứ khác”, CEO của Bulog, Sutarto Alimoeso, cho biết, và thêm rằng lượng dự trữ của Indonesia hiện là 2,16 triệu tấn.

“Giá và chất lượng tốt nhất, theo những thông tin quốc tế mà chúng tôi nhận được, là gạo Việt Nam và Ấn Độ.”

Thái lan đang nỗ lực giảm lượng gạo dự trữ - cao kỷ lục 10 triệu tấn – để lấy kho chứa gạo vụ mới, dự kiến sẽ đến vào tháng 10.

Lượng gạo dự trữ khổng lồ này được thu mua từ tháng 10-2011, với mức giá thu mua của dân cao hơn nhiều so với giá thị trường – động thái đã đẩy giá gạo Thái lan tăng lên mức cao không thể cạnh tranh được.

“Đây là vấn đề về mặt chính sách của Thái Lan”, Alimoeso cho biết. Ông thêm rằng hãng đã không nhập khẩu ít gạo nào từ đầu năm tới nay, mặc dù trước đây đã ký biên bản ghi nhớ với Thái Lan về việc nhập 1 triệu tấn, Việt Nam về việc nhập 1,5 triệu tấn, Campuchia về việc nhập 100.000 tấn và Myanmar về 200.000 tấn.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á năm ngoái đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn gạo từ Thái lan, Việt Nam và Ấn Độ để làm đầy kho dự trữ và để tránh lạm phát.

KẾ HOẠCH THAM VỌNG

Cơ quan dự báo thời tiết Indonesia tháng trước cho biết bất kỳ hiện tượng thời tiết El Nino nào – có thể gây hạn hán diện rộng ở Đông Nam Á, cũng sẽ có ảnh hưởng tới nước này.

Thời tiết khô ở quần đảo này đã ảnh hưởng tới cả hai hiệp hội ngành cao su và cacao, và họ đã phải điều chỉnh giảm mức dự đoán về sản lượng. Hiệp hội Nông dân Indonesia cho biết nếu hạn hán tiếp diễn tới giữa tháng 10, sản lượng gạo có thể giảm 5-10%.

“Thời tiết khô sẽ ảnh hưởng tới sản lượng gạo và các lương thực khác của Indonesia năm 2012”, chủ tịch Winarno Tohir cho biết. “Hạn hán đã xảy ra ở đảo Java, nơi chiếm 60% sản lượng gạo quốc gia”.

Vụ thu hoạch chính của Indonesia thường vào tháng 6 hoặc tháng 8, còn vụ phụ kết thúc vào quý I.

Nước này dự kiến sẽ đạt sản lượng lúa khoảng 68 triệu tấn trong năm nay, và có kế hoạch tham vọng đạt lượng dự trữ 10 triệu tấn vào năm 2014.

Đầu những năm 1980 Indonesia đã đạt tự cung tự cấp gạo, nhưng sản lượng giảm dần do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhường chỗ cho nhà ở khi dân số bùng nổ. Tiêu thụ gạo hàng tháng đạt khoảng 2,7 triệu tấn và đang tăng lên.

VAI TRÒ CỦA BULOG TĂNG LÊN

Thế giới lo ngại đang bên bờ vực của cuộc khủng hoảng giá lương thực lần thứ 3 trong vòng 4 năm sau khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khu vực Trung Tây nước Mỹ và Biển Đen, đã đẩy giá ngô và đậu tương lên mức cao kỷ lục.

Indonesia, nước đông dân thứ 4 thế giới, đã xóa bỏ thế 5% đối với đậu tương nhập khẩu cho đến cuối năm, và vai trò của Bulog được tăng lên, không chỉ đảm bảo lương thực mà còn cả thịt bò, ngô, đường và đậu tương.

Trước năm 1998, Bulog đã từng quản lý tới 9 mặt hàng.

(T.H – Reuters)