Thị trường thế giới tiêu thụ nhiều gạo thơm nhưng Việt Nam không đủ gạo để cung ứng. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nước ta còn tồn kho khoảng 2 triệu tấn gạo. Trong đó, gạo thơm và gạo cấp cao chỉ chiếm khoảng 5%-7%.

Gom từng tạ gạo thơm

Gạo thơm Việt Nam có chất lượng ngang gạo Thái Lan, giá lại thấp hơn nên nhiều nước đặt mua. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) không còn gạo thơm để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho biết trong kho DN chỉ còn khoảng 1.000 tấn gạo thơm, đang lùng mua thêm mà thấy rất khan hiếm.

Ông cũng cho biết các thị trường lớn như châu Á, châu Âu kể cả châu Phi vốn là các thị trường tiêu thụ gạo cấp thấp nhưng nay đều có nhu cầu mua gạo thơm và được giá. Giá gạo thơm thường nước ta khoảng 580-600 USD/tấn, gạo Jasmine 620-630 USD/tấn, gạo thơm cao cấp như Hom mali, KDM được đến 800 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo thơm Thái Lan luôn cao hơn Việt Nam từ 50 đến 100 USD. Vì vậy, nhà nhập khẩu thường chọn mua gạo thơm Việt Nam. Hiện DN không dám ký hợp đồng trước. Có gạo thơm trong tay mới dám ký và ký với số lượng nhỏ vì lỡ gom không đủ hàng thì phải bồi thường hợp đồng.

Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát, cho biết DN còn 4.000 tấn gạo thơm và hiện đang thu mua từng tạ gạo thơm ở khắp nơi.

Khi nguồn cung của chúng ta khan dần, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì chúng ta rất dễ bị mất thị trường mà ta chiếm lĩnh trong thời gian qua, cụ thể là thị trường Hong Kong, Trung Quốc. Nhiều DN tỏ vẻ lo lắng trước nguy cơ này.

Gạo cấp cao lo “bể” hợp đồng

Trong khi gạo thơm bị thiếu thì gạo cấp cao hiện lại lo đầu ra chưa vững.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, lý giải: “Gạo cấp cao 5% tấm của nước ta đã phải giảm giá bán xuống còn 410-415 USD/tấn, bằng giá sàn gạo cấp thấp nhưng thị trường vẫn nhập quá ít. Dù DN chịu giảm thêm, kéo giá xuống mức 405 USD/tấn thì cũng khó ai mua. Bởi lẽ đường vận chuyển từ ta đến châu Phi xa hơn gạo Ấn Độ, cộng thêm chi phí vận chuyển cao, gạo Việt sang đến châu Phi vẫn lên đến 425-445 USD/tấn. Giá này vẫn cao hơn gạo Ấn Độ 20-40 USD/tấn. Không thể cạnh tranh nổi”.

Ông Tuấn tiết lộ: “Nước ta đang trông chờ vào những hợp đồng gạo cấp cao 420-430 USD/tấn, đã ký trước với Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nhận hàng rất chậm, còn đòi phía nước ta giảm giá xuống thấp vì cho rằng trước đây đã ký bị “hố” mấy chục USD/tấn. Nguy cơ lật kèo, viện đủ lý do để hủy hợp đồng từ phía nhà nhập khẩu Trung Quốc là rất lớn. Bởi lẽ tháng 6, tháng 7 này, Trung Quốc vào vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, Thái Lan đang tồn kho 11 triệu tấn gạo, Ấn Độ tồn kho 30 triệu tấn, chưa kể gạo các nước Myanmar, Pakistan”…

Gạo IR50404 “bí”

Khó khăn nhất là gạo IR50404, hiện không xuất được vì thị trường không mua. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết từ lâu đã khuyến cáo địa phương và nông dân tăng diện tích lúa thơm, lúa cấp cao và hạn chế diện tích lúa IR50404 nhưng không hiệu quả. Nông dân thấy lúa IR50404 ít sâu bệnh, năng suất cao, bán cũng được giá thì trồng. Trồng ra thì vẫn có người mua nên năm nay nông dân cứ trồng tiếp. Thế nhưng năm nay DN không xuất được gạo loại này nên không mua của dân.

VFA đang chỉ đạo DN cố giữ hợp đồng tập trung với Trung Quốc và tìm kiếm những hợp đồng mới. Năm tháng đầu năm chỉ mới xuất được 2,4 triệu tấn gạo. (Dự báo kế hoạch là xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay).

Theo Ông NGUYỄN HÙNG LINH, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang: Diện tích trồng lúa thơm nước ta ở mức 10%-15% là hợp lý; lúa IR50404, OM thì giới hạn diện tích khoảng 20%; diện tích còn lại nên trồng giống lúa tạo gạo trắng, hạt dài dễ xuất khẩu. Nếu trồng gạo thơm ồ ạt thì biết đâu đến một lúc lại tồn đọng, rớt giá.

Theo Ông PHẠM VĂN BẢY, Phó Chủ tịch VFA: DN phải dè chừng và không dung túng với những điều kiện “quái chiêu” do Trung Quốc đưa ra như trộn lẫn gạo thơm với gạo trắng. VFA phát hiện sẽ xử lý kỷ luật nặng, có thể cấm xuất khẩu.

PLTP

Nguồn: Báo pháp luật T.P HCM