Sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, song xuất khẩu gạo cả năm vẫn có khả năng đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 7 triệu tấn). Dù vậy, dự báo một lượng lớn gạo phẩm cấp thấp sẽ không có thị trường tiêu thụ.

Xuất khẩu sụt giảm, nhưng “cửa” vẫn rộng

Báo cáo tổng kết 6 tháng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 3,7 triệu tấn, với giá trị 1,7 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 13,5% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo tiếp tục xu hướng giảm, với giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 464 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sở dĩ xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh là do áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị trường Myanmar, Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt là gạo phẩm cấp thấp. Hiện tại, Ấn Độ - nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới - đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp, do tồn kho tăng cao. Sự tái xuất của Ấn Độ khiến Việt Nam mất quyền chi phối thị trường gạo phẩm cấp thấp tại châu Phi.

Trong khi đó, một số thị trường lớn, truyền thống trước đây của Việt Nam như Indonesia, Philippines lại có xu hướng tự túc về lương thực. Trong nửa đầu năm nay, Indonesia đã không ký thêm hợp đồng mới về nhập khẩu gạo, mà chỉ thực hiện nốt các hợp đồng đã ký từ năm ngoái.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn nhận xét: “Doanh nghiệp còn kém chủ động trong tìm kiếm, mở rộng thị trường. Một số doanh nghiệp chỉ chú tâm thực hiện các hợp động Chính phủ, ít có động lực mở rộng thị trường. Nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu gạo sẽ gặp khó khăn trong tương lai”.

Dù vậy, khả năng xuất khẩu gạo đạt mục tiêu trong năm 2012 vẫn sáng sủa. Ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: “Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu gạo sẽ vẫn giữ được nhịp độ bình thường và có khả năng đạt mục tiêu đề ra cả năm. Hiện tại, số hợp đồng gạo đã ký đạt khoảng 4,5 triệu tấn, trong đó, lượng gạo giao theo hợp đồng mới đạt được một nửa”.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng tin tưởng rằng, thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều, đặc biệt là các loại gạo trung bình, cấp cao và gạo thơm, vì giá gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác do nằm ở mức giá trung bình. Một điểm sáng khác của xuất khẩu gạo là nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Không có “cửa” cho gạo phẩm cấp thấp

Dù lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo cả năm, song ông Trương Thanh Phong cho hay, hầu như không có thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp, vì thị trường này đã hoàn toàn rơi vào tay Ấn Độ, Myanmar. Đáng lo là, vụ hè - thu sắp bước vào thu hoạch rộ (tháng 7, tháng 8) với trên 1 triệu tấn gạo phẩm cấp thấp.

Hiện giá lúa phẩm cấp thấp, đặc biệt là lúa IR 50404 ở nhiều địa phương rớt giá thảm hại, thấp hơn cả giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Trí Ngọc thừa nhận, dù đã có chỉ đạo, nhưng nhiều địa phương vẫn để tỷ lệ lúa phẩm cấp thấp vượt quy hoạch do giống ngắn ngày, năng suất cao. Vì vậy, trong những vụ tới, Bộ NN&PTNT sẽ kiên quyết hơn, yêu cầu một số địa phương không gieo trồng giống lúa này, mà chỉ trồng những giống lúa dài ngày, chất lượng cao.

Để tránh lúa gạo rớt giá, hiện Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất Chính phủ mua 1 triệu tấn gạo cho vụ hè - thu sắp tới.

Ngoài ra, theo TS. Steven Jaffee, Điều phối viên Chương trình hợp phần Phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB), chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam quá dài, với ít nhất 5 - 6 đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng với tầng lớp trung gian quá nhiều, khiến người nông dân ít được hưởng lợi. Chính vì vậy, thất thoát mỗi năm cho chuỗi giá trị này lên tới 600 triệu USD. Đây là lý do xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 20% thương mại gạo trên thị trường thế giới, nhưng thu nhập của người trồng lúa lại rất thấp và bấp bênh.

(ĐT)

Nguồn: Báo đầu tư