Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước thì ngành chè sẽ phải nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu trên. Ngành chè cần có hướng đột phá nâng cao chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm, vì đây là vấn đề hết sức quan trọng để ngành chè vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh tiếp tục giữ vững thị trường hiện có, khôi phục lại thị trường I-rắc, ngành chè cần mở ra các thị trường mới như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả rập Xê út...

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam khẳng định: Để nâng cao vị thế của ngành chè Việt Nam, các sản phẩm mang thương hiệu chè Việt Nam bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Ngành chè sẽ tập trung đầu tư hiện đại hoá công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, mở nhiều lớp đào tạo giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè, để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chè có chất lượng cao và giá cả hợp lý, hấp dẫn người tiêu dùng.

Hiện ở Việt Nam có 35 tỉnh trồng chè với tổng diện tích trên 131.500 ha, năng suất 6,5 tấn búp tươi/ha, cung cấp nguyên liệu cho khoảng 700 cơ sở sản xuất chè khô. Việt Nam được xác định là một trong 8 cội nguồn của cây chè, có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu phù hợp cho cây chè phát triển và cho chất lượng cao. Sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó thương hiệu "CheViet" đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu chè. Năm 2008, ngành chè xuất khẩu được 104.000 tấn chè các loại, với tổng kim ngạch đạt 147 triệu USD, tăng khoảng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
 

Nguồn: Vinanet