Gạo đồ Việt Nam được xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, Đông Âu, châu Phi, châu Á có giá tương đối cao so với gạo trắng.

Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc CTCP Vinh Phát, chủ nhân của ba nhà máy chế biến gạo, đơn vị có khối lượng xuất khẩu gạo đồ lớn nhất Việt Nam cho biết: Nếu việc mở thị trường thuận lợi, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn gạo đồ trong năm nay.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nhiều nước đã đặt hàng Việt Nam sản xuất gạo đồ, do đó từ năm 2011 Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng sản xuất gạo đồ xuất khẩu từ 300.000 - 400.000 tấn.

Ông Trần Ngọc Trung cho biết nếu chỉ dựa vào sản lượng của nhà máy sản xuất gạo đồ ở Phú Tân, An Giang thì khối lượng gạo đồ của Việt Nam đến thời điểm này chắc chắn đã hơn 30.000 tấn.

Trong ba nhà máy của Vinh Phát chỉ có một nhà máy làm gạo đồ vì đầu tư một nhà máy làm gạo đồ gấp năm lần nhà máy làm gạo trắng. Công suất thiết kế nhà máy gạo đồ ở Phú Tân là 15.000 tấn/tháng, hoạt động từ đầu năm 2011. Đó là một trong hai nhà máy làm gạo đồ, nhà máy còn lại tại Long An do doanh nhân Thái Lan đầu tư.

Thị trường lớn nhất của Vinh Phát xuất sang Bangladesh và các nước vùng Trung Đông. Gạo đồ có giá bán tương đương gạo trắng 5% tấm. Tháng 4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 770 – 780 USD/tấn, gạo đồ 780 – 800 USD/tấn. Có lúc giá gạo 5% còn 450 USD/tấn, gạo đồ vẫn giữ giá bán 490 USD/tấn.

Gạo đồ (parboiling) thường cho cơm khô, có thể ăn bằng tay nên được người đạo Hồi ưa chuộng. Gạo đồ có quy trình chế biến từ lúa được ngâm nước nóng, hấp trong hơi nước ở nhiệt độ và thời gian quy định, rồi sấy khô, sau đó xay xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, hương vị hậu ngọt hơn so với gạo thường.

Theo VFA, nhu cầu gạo đồ của các quốc gia theo Hồi giáo khoảng 3,5 – 4 triệu tấn/năm. Sản lượng gạo đồ của Việt Nam có thể đạt 300.000 – 400.000 tấn, vì thế có cơ hội  để đầu tư vào gạo đồ.

Tuy nhiên, do chi phí cao và phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư cho gạo đồ.

(SGTT)

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn