Báo cáo tình hình thị trường một số nông sản trong quý 1/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có nhận định khả quan hơn về xuất khẩu cà phê. Theo đó, dự báo khối lượng xuất khẩu cà phê của năm 2012 đã thay đổi từ mức dưới 1 triệu tấn trong báo cáo tháng trước thành mức 1,15 triệu tấn với trị giá khoảng 2,36 tỷ USD.
Tuy nhiên, so với thực hiện năm 2011, các con số trên vẫn giảm 7,2% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân là do hạn chế về nguồn cung trong nước, trong khi giá cà phê thế giới đi xuống.
Theo thống kê của Tổ chức Cà phê quốc tế ICO, tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2011/12 ước đạt 128,5 triệu bao, giảm 4,3% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt 80,8 triệu bao, giảm 4,3% so với niên vụ trước và sản lượng cà phê Robusta đạt 47,7 triệu bao, giảm 2,6% so với niên vụ trước.
Ngoại trừ khu vực châu Phi, nơi mà sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng 10% so với niên vụ trước lên mức 17,8 triệu bao, sản lượng được dự báo giảm tại hầu hết các khu vực sản xuất cà phê khác trên thế giới.
Sản lượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong niên vụ 2011/12 được dự báo đạt 34,7 triệu bao, giảm nhẹ 3,7% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do lượng mưa lớn đã làm giảm sản lượng cà phê của Việt Nam và Ấn Độ.
Trong khi đó, mức giá tương đối cao trong vòng 2 năm gần đây đã khuyến khích hoạt động xuất khẩu và làm giảm dự trữ. Theo các thông tin từ các thành viên ICO, khối lượng dự trữ cà phê đầu kỳ tại các quốc gia xuất khẩu trong niên vụ 2011/12 đạt khoảng 17,4 triệu bao, là mức dự trữ thấp kỷ lục.
Ngược lại, tồn kho tại các quốc gia nhập khẩu lại tăng tương đối mạnh, đạt mức 22,3 triệu bao, điều này đã làm giảm bớt mối lo ngại về tình trạng nguồn cung hạn chế, đồng thời cũng góp phần tác động vào xu hướng đi xuống của giá cà phê trên thị trường thế giới kể từ mức đỉnh điểm đạt được vào đầu tháng 5 năm 2011.
Ở trong nước, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, trong niên vụ 2011/12 (kéo dài từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012), sản lượng cà phê của cả nước có thể đạt khoảng 18,3 triệu bao.
Tuy nhiên, sản lượng có thể sẽ thấp hơn nữa do hàng trăm ngàn ha cà phê ở khu vực Tây Nguyên đã già cỗi trong khi việc thay thế, tái canh lại gặp nhiều trở ngại.
Hiện có khoảng 30% diện tích cà phê của Việt Nam đang già cỗi cần phải tái canh, tập trung chủ yếu tại Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm 2012 vẫn giảm lần lượt 12,5% về lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng khối lượng xuất khẩu 314,2 nghìn tấn với giá trị 640,5 triệu USD.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân của nước ta trong tháng 2/2012 đạt mức 2.047 USD/tấn, tăng nhẹ 1,2% so với tháng trước nhưng giảm 2,6% so với giá xuất khẩu cùng kỳ năm 2011.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô ngày 22/3 đứng ở mức 39.500-39.600 đồng/kg, tăng 3,7% so với giá hồi đầu năm. Các giao dịch trên thị trường cũng chưa mạnh do nông dân vẫn có tâm lý găm hàng và bán ra rất ít với kỳ vọng giá sẽ lên cao hơn nữa.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ của nước ta đạt mức 1.980 USD/tấn (FOB), tăng 11,2% so với mức giá đạt được hồi đầu năm.
Nguyên nhân khiến giá cà phê của nước ta tăng lên so với hồi đầu năm là do các thông tin tiêu cực về tình hình nguồn cung cà phê của Việt Nam đã làm cho giá cà phê Robusta giao dịch trên thị trường London tăng lên. Theo đánh giá của ICO, một khi thiếu sức bán từ Việt Nam thì giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới sẽ còn ở mức cao hơn nữa.
(NDHMoney)