Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành da giày-túi xách sẽ đạt khoảng 11,33 tỉ đô la Mỹ năm 2014; trong đó giày dép đạt 9,3 tỉ đô la Mỹ, túi cặp xách đạt 2,1 tỉ đô la Mỹ với tỉ lệ tăng trưởng bình quân 10%, theo Hiệp hội Da-giày-Túi xách Việt Nam.
Theo báo cáo tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh ngành da giày của hiệp hội này, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 10,32 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm 2012 và vượt 3% so với kế hoạch. Trong đó, riêng xuất khẩu túi xách, vali, cặp đạt 1,920 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu giày dép đạt 8,4 tỉ đô la Mỹ.
Việt Nam là nước đứng thứ hai sau Trung Quốc xuất khẩu giày vào thị trường EU với thị phần là 8,5%. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh với thị phần là 8,4%. Đây được đánh giá là thị trường tiềm năng đem lại 60 tỉ đô la Mỹ doanh thu giày bán lẻ hàng năm; mãi lực tiêu thụ 7 đôi giày/ người/ năm và hơn 2,2 triệu đôi giày được bán ra mỗi năm.
Hiệp hội cho biết, trong năm 2014, ngành da giày-túi xách sẽ thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm đạt 60-65%. Đồng thời, ngành này cũng cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu bằng việc tăng cường sử dụng nguyên liệu từ các doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư vào việc sản xuất nguyên vất liệu.
Trong năm 2013, nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu cho ngành da giày, túi xách đạt 3,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm 2012.
Theo nhận định của Hiệp hội Da- giày-Túi xách Việt Nam, việc thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do với mức thuế nhập khẩu là 0% sẽ là một thách thứ lớn đối với ngành da giày nội địa. Cùng với sự tham giacủa các doanh nghiệp các nước nằm trong khối các nước đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giày dép nội địa sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn do thiếu vốn đầu tư, thiếu mặt bằng sản xuất và công nghệ lạc hậu.
Đối với các nước Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, tuy không yêu cầu cao về mẫu mã và chất lượng, nhưng mặt hàng giày dép Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi thâm nhập vào thị trường các nước này.
Trong năm qua, sản xuất và tiêu thụ nội địa cũng giảm. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu với tiêu chuẩn cao do vậy có giá thành cao khi bán tại thị trường nội địa, khó cạnh tranh với hàng kém chất lượng nhập khẩu. Hơn nữa, việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật đặc biệt đối với hàng giả, kém chất lượng, có hại cho sức khỏe và nguy hại đến môi trường vẫn chưa được hiện một cách hiệu quả.
Nguồn: Thời báo Kinh tế SG