(VINANET) - Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện là 468,9 triệu USD, tăng 39,33% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 79,8 triệu USD, giảm 20,4% so với tháng liền kề trước đó.

Việt Nam nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện từ 5 thị trường chính đó là Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp chính, chiếm 53,3% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, tăng 49,86% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy có vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ hai về kim ngạch, với 102,6 triệu USD, tăng 31,15%; tiếp đến là thị trường Malaixia với 62,1 triệu USD, tăng 17,34% và Nhật Bản 4,7 triệu USD tăng 15,7%.

Đáng chú ý, tuy nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc chỉ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng kim ngạch, 15,6 triệu USD nhưng lại là thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất, tăng 78,63%.

Thống kê thị trường nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện 6 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNNK 6T/2013
KNNK 6T/2012
% so sánh
tổng KN
468.956.633
336.569.747
39,33
Thái Lan
250.126.271
166.904.759
49,86
Trung Quốc
102.687.014
78.299.535
31,15
Malaixia
62.118.302
52.936.990
17,34
Hàn Quốc
15.068.165
8.435.479
78,63
Nhật Bản
4.717.264
4.077.287
15,70
(Nguồn số liệu: TCHQ)

Theo nguồn tin từ HQ Oline ngày 23/6 cho biết, Cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu Chi cục Quản lí thị trường các địa phương triển khai kiểm tra, xử lí các hành vi vi phạm về ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa đối với một số đồ điện gia dụng có nguồn gốc Trung Quốc.

Mặt hàng được yêu cầu kiểm tra là: quạt phun sương, ấm đun nước, máy xay sinh tố… Đối tượng kiểm tra là các nhà nhập khẩu, phân phối đồ điện gia dụng, các siêu thị, cửa hàng điện máy…

Việc kiểm tra tập trung vào hành vi gian lận về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể là hàng nhập khẩu nhưng trên nhãn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật như không ghi xuất xứ, không ghi nhãn phụ… Hành vi giả xuất xứ, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dán tem tại Trung Quốc (loại tem dễ bóc) nhưng ghi nhiều thông tin như công nghệ Hàn Quốc, chữ viết Hàn Quốc… khi bán ra thị trường, người bán bóc tem (ghi sản xuất tại Trung Quốc) chỉ để lại các thông tin dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc dán tem ghi sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản để lừa dối người tiêu dùng.

Theo Cục Quản lí thị trường, yêu cầu trên xuất phát từ việc thời gian gần đây qua công tác phối hợp giữa đơn vị và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện ra những hành vi vi phạm nêu trên.

Thế giới

Cuba cho phép nhập khẩu các thiết bị điện gia dụng

Ngày 20/5, Tổng cục Hải quan Cuba thông báo quyết định cho phép các cá nhân khi nhập cảnh vào nước này được phép mang theo các thiết bị điện gia dụng và xe đạp điện.

Đây là những sản phẩm bị cấm nhập khẩu từ năm 2005 khi quốc đảo này rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Havana, sắc lệnh đăng trên tờ Công báo cho biết mọi cá nhân khi vào Cuba đều có thể mang theo các mặt hàng như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, tủ đá, lò vi sóng, bếp ga, bếp điện, bàn là điện, máy nướng bánh mỳ, lò nướng điện, bình đun nước nóng…

Tuy nhiên, mỗi người sẽ chỉ được mang tối đa 2 đơn vị cho mỗi loại thiết bị trên và đối với máy điều hòa nhiệt độ thì không được nặng quá một tấn. Ngoài ra, các loại lò nướng và bếp điện không được có công suất tiêu thụ quá 1.500W.

Cùng với đó, mỗi người cũng được phép mang vào Cuba 2 xe đạp điện với vận tốc tối đa không quá 50 km/giờ cùng với linh kiện, phụ tùng đi kèm.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ Cuba đã đưa ra một loạt những điều chỉnh trong chính sách cho phép người dân Cuba tự do đi ra nước ngoài, cũng như mang hàng hóa về nước.

Hồi tháng 12/2012, Hải quan Cuba cũng công bố danh sách gần 300 mặt hàng mà người dân được tự do nhập khẩu, trong đó có lương thực, quần áo, máy tính, bàn ghế, đồ nghề sửa chữa, phụ tùng ôtô, vật liệu xây dựng….

(Nguồn: TTXVN)

Nguồn: Vinanet