(VINANET) – Kết thúc quí I/2015, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm với tốc độ giảm và xu hướng này tiếp diễn cho đến hết tháng 4, giảm 10,59% so cùng kỳ năm trước, với 323,8 triệu USD, tính riêng tháng 4/2015, nhập khẩu sữa và sản phẩm kim ngạch là 88,1 triệu USD, giảm 5,4% so với tháng 3/105.

Nhìn chung, 4 tháng 2015, nhập khẩu sữa và sản phẩm đều giảm ở hầu hết các thị trường, kể cả những thị trường chủ lực, số thị trường với tốc độ tăng trưởng âm chiếm tới 60%.

Newzealand, thị trường chiếm gần 30% thị phần, tốc độ nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường này giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm 8,39%, tương đương với kim ngạch 96,9 triệu USD.

Nguồn cung lớn thứ hai là thị trường Singapore, tuy nhiên, kim ngạch nhập mặt hàng sữa từ Singapore lại tăng 74,5%, đạt 37,9 triệu USD.

Đối với thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan, kim ngạch nhập khẩu sữa từ hai thị trường này đều có tốc độ giảm, giảm lần lượt 56,85% và giảm 6,52%, tương đương với 31 triệu USD và 24,5 triệu USD.

Đáng chú ý, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Ba Lan trong 4 tháng 2015 được nhập về nhiều với tốc độ tăng trưởng dương vượt trội, tăng 197,55% so với cùng kỳ, tuy chỉ đạt 11,9 triệu USD; thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn thứ hai sau Ba Lan là Nhật Bản với mức tăng 150,78%.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm 4 tháng 2015 – ĐVT: USD

Thị trường
KNNK 4 tháng 2015
KNNK 4 tháng 2014
+/- (%)
Tổng KNNK
323.872.218
362.247.811
-10,59
Newzealand
96.900.676
105.780.023
-8,39
Singapore
37.948.335
 21.740.953
74,5
Hoa Kỳ
31.054.706
71.974.708
-56,85
Thái Lan
24.545.067
26.258.400
-6,52
Ailen
22.733.336
 13.080.293
73,7

Australia

21.745.538
9.732.355
123,44
Đức
16.598.200
17.431.281
-4,78
Hà Lan
12.776.335
21.867.953
-41,58
Ba Lan
11.970.910
4.023.170
197,55
Pháp
10.541.962
8.995.811
17,19
Malaisia
7.739.631
13.209.118
-41,41
Hàn Quốc
5.198.944
3.160.030
64,52
Tây ban Nha
2.155.236
2.621.431
-17,78
Philippin
1.788.602
2.842.789
-37,08
Nhật Bản
1.445.769
 576.497
150,78
Bỉ
1.400.162
 3.248.906
-56,9
Đan Mạch
518.167
5.548.362
-90,66

Về công tác thực hiện bình ổn giá sữa, vừa qua ngày 14/5, Bộ Tài chính tổ chức họp công bố kết quả thực hiện bình ổn giá sữa trong vòng 1 năm vừa qua.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sau gần 1 năm thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo 2 biện pháp quản lý giá tối đa và đăng ký giá, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có giá bán lẻ giảm 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng.

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong năm qua, cơ quan tài chính địa phương, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã phát hiện một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như: đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại... Tổng số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính và số tiền thu lợi do vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định gần 520 triệu đồng.

Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1% - 5,5%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, do nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Bên cạnh đó, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn hạn chế.

Qua khảo sát cho thấy, giá sữa cùng chủng loại tại khu vực ASEAN luôn có mức giá thấp hơn mức giá tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình trên mỗi kilôgam các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi của Việt Nam là 16USD nhưng ở các nước khác như Thái Lan chỉ 14USD, Philippines (12,9USD), Malaysia (10,9USD), Indonesia (9,5USD).

Theo Cục Quản lý giá, kết quả bình ổn giá sữa vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường do các yếu tố tác động. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới; giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm... Chính vì vậy, theo Cục Quản lý giá, mục tiêu yêu cầu bình ổn giá sữa thời gian tới là sẽ phải tiếp tục được củng cố để bảo đảm sự bền vững. Đó là áp dụng biện pháp bình ổn giá chịu trách nhiệm quyết định thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá. Căn cứ vào dự báo tình hình thị trường và mục tiêu, yêu cầu bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã nêu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa đến hết 31-12-2016.

Trước câu hỏi về việc trên thị trường còn tồn tại tình trạng 1 sản phẩm nhưng giá bán chênh nhau 10.000 - 20.000 đồng/hộp tại các đại lý khác nhau, theo Cục Quản lý giá, mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có chính sách bán hàng khác nhau đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Từ đó, có thể sẽ có những mức giá bán khác nhau ở các đại lý khác nhau. Tuy nhiên, mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng không được vượt quá mức tối đa đã được quy định là 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa. Trường hợp đại lý nào bán sản phẩm sữa vượt mức tối đa 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về giá.

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/chinhphu.vn

Nguồn: Vinanet