Số liệu thống kê từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn cho thấy, tính đến hết tháng 11/2011, Việt Nam đã nhập khẩu 2 tỷ USD thức ăn chăn và nguyên liệu. Ba nguồn nhập khẩu lớn gồm: Achentina chiếm 23,4%, Ấn Độ là 21,6%, Hoa Kỳ đứng thứ ba với khoảng 10,5%...

Trên cơ sở này, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam ước tính, “Cả năm, Việt Nam sẽ nhập khẩu ở mức 2,5 - 2,7 tỷ USD. Con số này vào năm 2010 là 2,7 tỷ USD”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội cho hay.

Cũng theo ông Lịch, hàng năm Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 65% khối lượng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Kim ngạch nhập khẩu chiếm từ 51 – 55% giá trị của toàn ngành.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhận được nhiều kiến nghị từ các đơn vị nhập khẩu phản ánh việc Chi cục Kiểm tra sau thông quan tại một số địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải điều chỉnh mã số HS, đồng thời truy thu thuế suất thuế nhập khẩu và thuế VAT của một số mặt hàng đã nhập khẩu từ năm 2007 đến nay.

Trước thực trạng này, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính miễn truy thu thuế suất thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với các mặt hàng đã kê khai đúng mã HS ghi tại các danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành.

Trường hợp cơ quan Hải quan địa phương phát hiện có sự khác nhau giữa mã số HS được công bố trong các danh mục với bản chất hàng hóa nhập khẩu thực tế thì có ý kiến bằng văn bản về Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để phối hợp xem xét lại, thống nhất và quyết định mã số HS.

Đối với trường hợp có điều chỉnh mã số HS, việc áp dụng mã số HS mới sẽ được thực hiện sau khi có quyết định điều chỉnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hiệu lực.

 

Nguồn: Tin tham khảo