Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) trong 6 tháng đầu năm 2014, sản phẩm da giày XK vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao là 17,8% và sản phẩm ba lô, túi xách xuất tăng trưởng đạt 40,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Cơ hội và thách thức
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK của ngành da giày- túi xách đạt trên 5,7 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm 2013. Các thị trường trọng điểm vẫn là EU, Bắc Mỹ, châu Á… Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, hiện Việt Nam nằm trong tốp 5 nước có kim ngạch XK giày dép lớn trên thế giới. Tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản thị phần NK giày dép từ Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Đặc biệt, tại các thị trường như Úc, Nga, Trung Đông, Mỹ La tinh là những thị trường mới còn nhiều tiềm năng đã có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây.
Theo Lefaso, ngành da giày – túi xách đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển do nhu cầu thị trường thế giới đang phục hồi (nhất là thị trường Hoa Kỳ) và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường EU đã mạnh lên do từ tháng 1- 2014 do giày dép của Việt Nam XK sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với mức thuế nhập khẩu giảm từ 3,5-5%. Đồng thời, rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đơn hàng ở Việt Nam. Cụ thể như Tập đoàn Target Sourcing Services (top 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới), Tập đoàn Dansu, tập đoàn túi xách cao cấp Lancaster/Sequoia Paris đang có xu hướng mở rộng và đã khảo sát, tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đó, xu hướng rút chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangledesh vào Việt Nam (tỷ lệ chuyển dịch khoảng 25% so với cùng kỳ 2013) cũng là một trong những thuận lợi để phát triển XK của ngành. Ngoài ra, trong thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào ngành, trong đó có một số dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp cho ngành da giày túi xách Việt Nam chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu góp phần nâng cao giá trị gia tăng tạo thêm thặng dư thương mại và có vị thế ngày càng cao trên thế giới. Đặc biệt, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay hoặc trong năm 2015 như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; Hiệp định thương mại tự do với liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực với các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đang mở ra cơ hội chưa từng có cho ngành da giày - túi xách Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, bên cạnh những thuận lợi nêu trên ngành da giày - túi xách Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Lệ thuộc quá lớn vào XK, hiện 90% sản lượng sản xuất của các nhà máy dành cho XK còn thị trường trong nước lại sử dụng chủ yếu là hàng NK. Bên cạnh đó, tuy ngành da giày- túi xách có thặng dư thương mại khá nhưng tỷ lệ nội địa hóa của nhóm đầu tư chiến lược vẫn còn thấp. Cụ thể như tỉ lệ nội địa hóa của da thuộc chỉ đạt 30%, da tổng hợp 40%, các loại phụ liệu trang trí chỉ ở mức gần 45%. Đáng chú ý là phần lớn nguyên liệu NK này là từ Trung Quốc đang tạo nên một nguy cơ tiềm ẩn cho ngành. Ngoài ra, chi phí sản xuất đặc biệt là chi phí lao động ngày càng tăng cũng đang là một thách thức đối với ngành da giày. Theo khảo sát của Lefaso, thu nhập bình quân của công nhân ngành da giày - túi xách tại khu vực phía Nam đạt trên 4,5 triệu đồng/tháng nếu tính cả tiền phụ cấp và các khoản nộp theo chế độ thì tổng chi phí lao động là gần 5,5 triệu đồng/tháng tương đương gần 260 USD/người/tháng. Mức thu nhập này tuy thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan nhưng vẫn cao hơn nhiều nước tại châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia…
Nhiều giải pháp
Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, ngành da giày - túi xách đã đề ra gói giải pháp tích cực nhằm đón đầu cơ hội và hóa giải thách thức. Theo đó, để tăng cường năng lực cạnh tranh nội tại, Hiệp hội đã khuyến cáo các DN trong ngành cần cải tiến mạnh hệ thống quản trị DN, ứng dụng các công nghệ quản lí hiện đại như hoạch định tài nguyên DN (ERP), sản xuất tinh gọn, quy trình cải thiện triệt để khả năng sinh ra lợi nhuận (6 Sigma)… giúp nâng cao hiệu suất lao động, đáp ứng nhanh và quản trị DN hiệu quả với chi phí thấp. Bên cạnh đó, từng DN phải xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển vững chắc để không những thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về kiểu dáng, công nghệ mới, phức tạp mà còn đáp ứng những kĩ năng lao động chuyên nghiệp, hiệu quả. Từ đó, tạo nên nguồn tài nguyên bền vững cho DN trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh nỗ lực của mỗi DN, nhằm đẩy mạnh các chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành da giày - túi xách cũng đang nỗ lực để có thể hình thành hai khu công nghiệp thuộc da ở hai đầu đất nước và các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm nhằm chủ động về nguồn nguyên phụ liệu và giúp nâng cao chất lượng sản phẩm da giày, túi xách với mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa vật tư chiến lược như da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt mức tỉ lệ nội địa hóa 50% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
Đặc biệt, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành, công tác đào tạo và phát triển nguuồn nhân lực cũng sẽ được chú trọng thông qua việc xây dựng các chương trình đào tạo thiết thực tập trung vào các vị trí quan trọng như phát triển sản phẩm, công nghệ, điều hành chuỗi cung ứng, điều hành sản xuất và thành lập một trung tâm đào tạo tại phía Nam dựa trên mô hình đào tạo của một số DN lớn trong ngành như Teakwang, Pouchen, TBS group. Đồng thời, xây dựng hình ảnh ngành da giày - túi xách Việt Nam thân thiện với môi trường đáp ứng các yêu cầu về lao động phù hợp với tinh thần của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết…
Nguồn: Báo Hải quan