Điều này làm cho người trồng lúa tại Bạc Liêu thua thiệt đôi bề: thương lái xuống địa bàn Bạc Liêu mua lúa về chế biến sau đó bán lại cho Công ty Lương thực Bạc Liêu có các điểm, chốt, trạm thu mua đặt tại các tỉnh, thành phố trên đều phải trừ chi phí vận chuyển được tính vào giá mua lúa tại chỗ và địa phương ''mất'' nguồn phụ phẩm tấm, cám để phát triển chăn nuôi.
Bạc Liêu là vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa hàng hóa đủ tiêu chuẩn chế biến gạo xuất khẩu không dưới 400 ngàn tấn/năm. Nhưng đến nay, Bạc Liêu không có một nhà máy, hay cơ sở chế biến gạo xuất khẩu tại chỗ. Sản lượng lúa hàng năm sản xuất đều phải trông vào sự tiêu thụ từ thương lái mua mang về chế biến xuất khẩu. Người nông dân Bạc Liêu hoàn toàn bị động trong tiêu thụ sản phẩm. Trong đợt tạm ngưng xuất khẩu gạo vừa qua, giá lúa tại Bạc Liêu đã ''rớt'' ngay, chỉ còn dưới 3.500 đồng/kg mà cũng không tiêu thụ được vì thương lái không mua.
Khi gạo được xuất khẩu trở lại, giá lúa hàng hóa vọt lên 5.900 đồng/kg. Với giá lúa như hiện nay, người trồng lúa có lãi khá cao và từ đó xuất hiện tình hình phá vỡ qui hoạch vùng trồng lúa-nuôi tôm tại các huyện Hồng Dân, Phước Long lên đến gần 30.000 ha, vuợt mức đề ra hơn 11.000 ha, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý sản xuất trong thời gian tới. Tình trạng này sẽ làm cho việc quản lý nguồn nước tại các vùng trồng lúa rất khó khăn vì hệ thống thủy lợi chỉ đủ sức đáp ứng tưới - tiêu cho diện tích lúa tôm theo kế hoạch đề ra là 19.000 ha.

Nguồn: Vinanet