XK điện thoại và linh kiện nói riêng, XK ngành công nghiệp điện tử nói chung đã nhanh chóng vượt lên trở thành ngành hàng có kim ngạch XK lớn nhất. Thế nhưng thực chất những con số này lại “rơi” vào túi của các DN FDI.

“Soán ngôi” dệt may

Những năm gần đây, XK điện thoại và linh kiện có tốc độ tăng chóng măt. Nếu năm 2009 XK mặt hàng điện thoại và linh kiện còn đứng thứ 9 (sau dệt may, giày dép, dầu thô, thuỷ sản, điện tử máy tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cao su) thì năm 2010 đã vượt lên đứng thứ 4 (sau dệt may, dầu thô, giày dép). Năm 2011 và 2012, mặt hàng này vượt lên đứng thứ 2 chỉ sau dệt may. Đến năm 2013, XK điện thoại và linh kiện đã “soán ngôi” của dệt may khi đạt kim ngạch 21,5 tỷ USD, trong khi dệt may chỉ đạt hơn 20 tỷ USD. Cho đến thời điểm này, điện thoại và linh kiện vẫn giữ “phong độ” khi 4 tháng đầu năm 2014 XK điện thoại và linh kiện tăng đến 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,672 tỷ USD. XK điện thoại đã đến nhiều thị trường, thậm chí có những thị trường chiếm hơn nửa tổng kim ngạch XK như Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Hoa Kỳ, Đức, Áo, Anh…

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy rằng, nhóm hàng này có đóng góp không nhỏ vào thành tích XK chung của cả nước. Năm ngoái, điện thoại và linh kiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch XK của cả nước và 50% trong mức tăng trưởng toàn ngành. Dự báo, XK điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đưa nhà máy thứ hai ở Việt Nam vào hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên; dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử các loại của LG tại Hải Phòng cũng sẽ góp phần quan trọng vào kim ngạch XK...

Tuy nhiên, thành tích XK của mặt hàng này chủ yếu lại “rơi” vào tay DN FDI. Việc các DN FDI chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch XK sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao, bởi những DN này mới chỉ dừng ở công đoạn sản xuất gia công, lắp ráp. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng XK còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Trong tổng số kim ngạch 23,5 tỷ USD của năm 2013, các DN đã chi tới 21 tỷ USD để NK linh phụ kiện.

DN Việt Nam ở đâu trong chuỗi cung ứng

Trên thực tế, khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, Samsung từng kỳ vọng sẽ có khoảng 200 nhà cung cấp phụ trợ cho mình tại 2 tỉnh này. Theo một lãnh đạo của Samsung, hiện tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đã thu hút 52 nhà cung cấp, thế nhưng số DN Việt Nam tham gia cung ứng cho nhà đầu tư này chỉ đếm trên đầu ngón tay, vỏn vẹn 4 DN. Quan trọng hơn thế, các DN Việt mới chỉ dừng ở việc cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao và không đóng góp được gì vào phần cung cấp thiết bị kỹ thuật quan trọng của sản phẩm điện thoại. Đóng góp nhiều vào lĩnh vực này phần lớn thuộc về các nhà cung cấp đến từ Hàn Quốc và các nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Đây là thực tế chung của ngành điện tử chứ không còn là câu chuyện riêng của mặt hàng điện tử và linh kiện. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, DN Việt Nam mới chỉ dừng ở việc lắp ráp một số sản phẩm đơn giản (như tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện, tủ lạnh) và gần như nhập toàn bộ linh kiện. Hiện DN Việt Nam đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng.

“Yếu kém nhất của DN là trình độ khoa học công nghệ thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, lao động tay nghề cao chưa nhiều”, ông Doanh nói.

Trước bài toán lợi nhuận, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty CP điện tử Bình Hòa cho rằng, DN buộc phải lựa chọn giữa 2 phương án XK thô giá rẻ và XK thành phẩm mang giá trị hàm lượng cao. Khi chưa đủ trình độ công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến thì phương án XK thô giá rẻ vẫn là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt.

Trong tương lai, ngành công nghiệp điện tử ngày càng phát triển khi các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nếu chậm cải tiến DN Việt Nam sẽ rất khó để tham gia vào chuỗi cung ứng này. Đây cũng là bài toán đặt ra một cách nghiêm túc cho các nhà điều hành kinh tế tìm thêm những giải pháp khả thi hơn để gia tăng giá trị các nhóm hàng XK của Việt Nam.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn: Hải quan Việt Nam