(VINANET)-Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2013, nhập khẩu rau quả tiếp tục tăng về kim ngạch, tăng 23,51%, tương đương với 334,1 triệu USD.

Điểm mới về thị trường nhập khẩu rau quả 10 tháng đầu năm nay là có thêm thị trường Nam Phi, Niuzilan, Ấn Độ, Ixrael với kim ngạch lần lượt là 6,2 triệu USD; 5,7 triệu USD; 5,1 triệu USD và 2,1 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường chính Việt Nam nhập khẩu rau quả trong 10 tháng đầu năm, chiếm gần 50% thị phần, với 126,6 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2012 lại giảm 3,5%.

Đứng thứ hai là thị trường Thái Lan với kim ngạch 91,1 triệu USD, tăng 136,18% so với cùng kỳ - đây là thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất.

Nhìn chung 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả ở các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, duy chỉ có hai thị trường giảm đó là Trung Quốc và Indonesia.

Thị trường nhập khẩu rau quả 10 tháng 2013

ĐVT: USD

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ TCHQ)
 
KNNK 10T/2013
KNNK 10T/2012
Tốc độ +/- (%)
Tổng KNNK
334.170.857
270.571.842
23,51
Trung Quốc
126.691.767
131.281.839
-3,50
Thái Lan
91.134.536
38.587.575
136,18
Hoa Kỳ
38.027.532
30.193.724
25,95
Oxtrâylia
22.381.870
20.890.290
7,14
Chile
4.069.108
3.188.078
27,64
Malaisia
2.604.043
2.072.803
25,63

Indonesia

437.564
1.620.109
-72,99

Theo ANTĐ, Việt Nam dù phải nhập khẩu một lượng lớn rau quả từ các nước, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc, nhưng hầu như không kiểm soát được chất lượng. Đây là một thực tế đáng báo động trong bối cảnh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều tồn tại.

Thống kê của Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT (Ipsard) cho thấy, rau quả xuất xứ từ Trung Quốc hiện chiếm 50 - 80% lượng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng mặt hàng rau đã có tới 6 nhóm sản phẩm được nhập về trong 8 tháng đầu năm, tiêu tốn hơn 22 triệu USD. Cũng theo Ipsard, thị trường rau quả Việt Nam hiện nay trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với không chỉ người tiêu dùng mà còn của cả các cơ quan chức năng và cơ sở kinh doanh nhập khẩu, phân phối hàng rau quả tại Việt Nam. Theo Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương), hiện Luật ATVSTP, các văn bản dưới luật, nghị định vẫn chưa có một quy định nào cụ thể dành riêng cho các sản phẩm nông sản nhập khẩu qua các tỉnh biên giới.

Phó trưởng phòng Quản lý ATTP và môi trường (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết tại bất kỳ cửa khẩu nào cũng có các trạm kiểm dịch thực vật. Theo Thông tư 13 có hiệu lực từ 1-7-2011 của Bộ NN&PTNT, các trạm kiểm dịch thực vật này vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra vệ sinh ATTP. Nhưng các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc chưa đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Bởi vậy, chất lượng ATTP đối với rau quả nhập khẩu vẫn nằm ngoài khả năng của máy móc và con người.

Nguồn: Vinanet