Nhu cầu về sữa ở Việt Nam còn rất lớn. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, mức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa của người Việt Nam là 14,81 lít một người trong một năm, còn thấp so với Thái Lan (23 lít một người trong một năm) và Trung Quốc (25 lít một người trong một năm). Trẻ em tại thành phố lớn tiêu thụ 78% các sản phẩm sữa (sommers 2009), hứa hẹn thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Thu nhập tăng cùng với việc hiểu biết hơn về lợi ích của sữa khiến nhu cầu tiêu dùng sữa ngày càng tăng cao (20-25% một năm, trong đó sữa nước tăng 8-10% một năm). Doanh nghiệp tham gia vào ngành sản xuất, chế biến sữa đã tăng mạnh trong 10 năm qua, hiện cả nước có hơn 60 doanh nghiệp với 300 nhãn hiệu. Tuy nhiên, tổng sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay Việt nam đã nhập khẩu 595,4 triệu USD sữa và sản phẩm, chiếm 0,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 22,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 7/2012, Việt Nam đã nhập khẩu 66,9 triệu USD, giảm 14,24% so với tháng liền kề trước đó.

Trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm chủ yếu từ thị trường Niudilan, với kim ngạch 15,5 triệu USD trong tháng 7, giảm 7,7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 145,8 triệu USD sữa và sản phẩm từ thị trường Niudilan, chiếm 24,4% tỷ trọng, tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2011.

Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch nhập khẩu trong tháng là 12,9 triệu USD, tăng 6,06% so với tháng liền kề trước đó, nâng kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Hoa Kỳ 7 tháng đầu năm 2012 lên 123,9 triệu USD, giảm 33,61% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài hai thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu từ các thị trường khác nữa như Hà Lan, Đức, Pháp, Thái Lan, … với kim ngạch đạt lần lượt 67,2 triệu USD; 41,4 triệu USD; 36,9 triệu USD và 29,9 triệu USD.

Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi nhưng sau vụ bê bối về sữa tại Trung Quốc vào năm 2008 khiến 6 em bé thiệt mạng vì uống sữa nhiễm hóa chất công nghiệp độc hại, đã làm cho Trung Quốc bị mất thị phần. Tháng 7/2012, Việt Nam chỉ nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường này 52 nghìn USD, tính chung 7 tháng 2012 cũng chỉ đạt 80,2 nghìn USD.

Thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm 7 tháng 2012

ĐVT: USD

 

KNNK T7/2012

KNNK 7T/2012

KNNK 7T/2011

% +/- KN so T6/2012

% +/- KN so cùng kỳ

Tổng KNNK

66.998.892

595.447.938

484.371.351

-14,24

22,93

Niudilân

15.529.406

145.822.552

136.368.847

-7,70

6,93

Hoa Kỳ

12.952.347

82.274.997

123.920.549

6,06

-33,61

Hà Lan

4.104.409

67.246.232

53.068.126

-37,14

26,72

Đức

6.241.782

41.408.764

13.904.577

3,08

197,81

Pháp

3.505.222

36.987.114

16.573.108

-55,45

123,18

Thái Lan

3.926.496

29.945.412

20.364.501

-2,25

47,05

Hàn Quốc

6.626.871

27.502.191

4.600.386

490,16

497,82

Malaisia

2.350.558

27.105.290

4.563.904

-29,73

493,91

Đan Mạch

4.695.827

23.501.596

5.314.909

202,22

342,18

Ba Lan

3.450.504

13.748.204

15.867.676

65,63

-13,36

Oxtrâylia

2.026.948

10.086.530

24.046.685

85,38

-58,05

Tây ban Nha

 

4.406.374

5.141.929

-100,00

-14,31

Philippin

655.660

2.831.920

3.299.033

26,88

-14,16

Trung Quốc

52.500

80.244

 

*

*

 Ấn Độ

 

 

828.360

*

*

Về tình hình sản xuất, mặc dù Quý II, hầu hết các ngành công nghiệp, chế biến “hàng chất đầy kho”, riêng ngành sữa vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 19,9%. Hiện nay sản phẩm sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Tháng 7 sản lượng sữa bột ước đạt 5,6 nghìn tấn, tăng 8,2% so với tháng 7/2011. Tính chung 7 tháng, sản lượng sữa bột ước đạt 43,5 nghìn tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Trên thị trường Việt Nam, hiện sữa ngoại đang thao túng. Sữa ngoại chiếm đến hơn 70% thị phần sữa bột Việt Nam, trong đó đứng đầu là Abbott, Dutch Lady (Freisland Campina), Dumex, Nestle…

4 hãng sữa lớn của nước ngoài là Abbott chiếm 32% thị phần sữa bột, Dutch Lady (16%), Dumex (8%), Nestle (4,2%). Với tỷ lệ này, 4 hãng sữa hoàn toàn có thể dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán.

Đánh giá thách thức và sự phát triển của ngành sữa Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu trong nước, các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lỗi nằm ở chỗ phải làm sao thúc đẩy mạnh hơn nữa việc chăn nuôi bò sữa cả nước.

Trên 95% số bò sữa hiện nay được nuôi phân tán trong nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao, nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, phải nhập khẩu đến 80% là thực trạng của ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay ở Việt Nam.

 

Nguồn: Vinanet