Trước khi nhận được quyết định trên, Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) đã ký các hợp đồng có thời gian giao hàng trong tháng 3 và tháng 4 với tổng khối lượng hợp đồng lên tới 53.500 tấn.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc doanh nghiệp này, cho biết: Khách hàng nước ngoài đã đưa tàu vào cảng, nên không thể chờ đến tháng 7. Công ty có nguy cơ bị phía bạn hàng kiện ra tòa án quốc tế nếu không giao hàng đúng hạn. Theo tính toán, nếu không thực hiện được các hợp đồng, chí phí thiệt hại và bồi thường có thể lên tới 1 - 2 triệu USD.
Ông Huỳnh Huệ Mẫn, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, việc giãn các hợp đồng xuất khẩu theo đúng chủ trương và nhiệm vụ Chính phủ giao cho nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Hiệp hội đã cố tránh thiệt hại cho Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang bằng cách cho phép giao thêm nhiều hợp đồng. Quyết định phân 30% hợp đồng cho các nơi khác nhằm mục đích bảo đảm hài hòa lợi ích chung.
Tuy nhiên, Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng ĐH An Giang, không đồng tình với cách điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ông Xuân phân tích, Đồng bằng Sông Cửu Long đang được mùa, vì vậy quyết định giãn xuất khẩu với lý do đảm bảo an ninh lương thực là không thuyết phục, khiến doanh nghiệp cùng nông dân thiệt hại lớn. Việc chia 30% hợp đồng của Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang sang cho các doanh nghiệp khác cũng không hợp lý. Công ty ký được hợp đồng thì để cho họ thực hiện, không thể bắt chuyển sang cho công ty khác.
Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng, vai trò của hiệp hội chỉ nên dừng ở tham vấn. Còn việc cho phép đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo (hoặc dừng) phải là cơ quan Nhà nước, nên để Bộ Công thương đảm trách vai trò này.
 

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày