Tại một số vùng nguyên liệu như Yên Bái, hoặc một số tỉnh miền Trung, giá sắn tươi cũng tăng chóng mặt. Cách đây khoảng 1 tháng, giá sắn tươi khoảng 800 nghìn đồng/tấn thì hiện nay đã tăng lên trên 1 triệu đồng/tấn. Có nhiều nơi giá lên tới 1,2-1,3 triệu đồng/tấn khiến cây sắn đang trở nên rất hiệu quả đối với những vùng đất đồi, dốc, địa hình rất khó canh tác đối với các loại cây trồng khác.

Nguyên nhân của sự “sốt nóng” này là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam. Theo một số nhà sản xuất, nguyên nhân thứ 2 là do năm nay nhuận nên vụ thu hoạch bị chậm lại 1 tháng. Một số nơi như Văn Yên – Yên Bái đã có 3 tháng nay trời không mưa do đó đất khô, rất khó thu hoạch. Nếu trời mưa, đất mềm , một người mỗi ngày có thể nhổ được 3-4 tạ sắn thì hiện nay chỉ nhổ được 2 tạ. Chưa kể đất khô cứng, nhổ tới đâu củ gãy tới đó phải đào bằng cuốc, nên thu hoạch rất chậm cũng là nguyên nhân gây thiếu sắn tươi.

Mặc dù tinh bột sắn đang lên ngôi, nhà sản xuất tinh bột và người trồng sắn đều được lợi song sự trồi sụt thất thường của mặt hàng này là rất khó đoán. Cuối năm 2008 - đầu năm 2009, hàng nghìn tấn tinh bột chất đống ở cửa khẩu Lạng Sơn do ách tắc khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vụ sắn năm 2008, thị trường sắn cũng đã chứng kiến một bầu không khí ảm đạm khi giá sắn tươi chỉ khoảng 400-450 đ/kg mà vẫn khó tiêu thụ. Một số vùng nguyên liệu hàng nghìn ha sắn đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân bỏ mặc trên đồi do có bán cũng chưa đủ tiền công chăm sóc, bốc dỡ.

Hiện nay, trên toàn quốc đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu trồng sắn ở khắp từ phía Bắc (Yên Bái, Phú Thọ) cho tới miền Trung (Nghệ An, Bình Định) và kéo dài vào nhiều tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Một số doanh nghiệp đã đầu tư sang cả Lào để mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến tinh bột. Tuy nhiên, những doanh nghiệp như Cty cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) tìm được thị trường xuất khẩu tinh bột sang Châu Âu là rất hiếm. Đại bộ phận các doanh nghiệp vẫn trông chờ vào thị trường Trung Quốc là chính và gánh chịu rủi ro bởi bởi sự thất thường của thị trường này. Theo thống kê của hải quan cửa khẩu Chi Ma, mỗi ngày khoảng 300-500 tấn tinh bột sắn được xuất khẩu sang Trung Quốc và 90% sản lượng tinh bột sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện nay cả nước có trên 500.000 ha trồng sắn với sản lượng trên 8 triệu tấn. Toàn quốc có 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến mỗi năm hơn nửa triệu tấn tinh bột sắn. Tính cho tới hết tháng 11/2009 có khoảng 3 triệu tấn sắn và tinh bột đã được xuất khẩu với tổng trị giá gần 500 triệu USD. Năm 2009 trong khi nhiều loại hàng hoá xuất khẩu chậm và giảm mạnh về giá trị thì tinh bột sắn lại lên ngôi với mức xuất khẩu tăng hơn 4 lần về sản lượng và tăng 3 lần về kim ngạch. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, chiếm hơn 90% kim ngạch. Tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 5,5%; Đài Loan 2%; Châu Âu (1,7%) và một phần rất nhỏ bắt đầu đến được Nhật Bản…

Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn sắn mỗi năm và là nước sản xuất ethanol lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Brazil. Nhiều địa phương của Trung Quốc đã bắt buộc sử dụng ethanol-blended xăng trong xe hơi. Đặc biệt, Quảng Tây, nơi chiếm 70% sản lượng sắn của Trung Quốc với 7 triệu tấn/năm. Chính vì vậy Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và tinh bột sắn rất mạnh.

Tham khảo một số thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn 10 tháng năm 2009

Thị trường

Tháng 10 năm 2009

10 tháng năm 2009

 

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Trung Quốc

87,764

22,864,130

2,682,630

435,432,248

Philippin

1,550

310,000

36,438

8,156,579

Nhật Bản

833

230,540

9,421

2,227,230

Niuzilân

408

129,860

4,378

1,136,962

Malaixia

179

45,580

6,040

1,523,251

Ai Cập

100

36,000

4,458

1,158,534

Hàn Quốc

43

1,030,067

171,620

25,645,657

Nguồn: Vinanet