Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) sẽ tiếp tục giữ vai trò chính trong việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu sắp đến. Đây là kết luận tại hội nghị Giải pháp tiêu thụ lúa hè thu do Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 21-6.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã đưa ra kết luận trên tại hội nghị sau khi nghe ý kiến của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực ĐBSCL và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).

Dự kiến, việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo do VFA thực hiện sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 7, cao điểm thu hoạch vụ hè thu và kéo dài trong 3 tháng. Việc thu mua sẽ được thực hiện theo vùng, theo cơ cấu giống lúa theo đề xuất của địa phương.

Sau cuộc họp, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản gửi lên Chính phủ phê duyệt. Quyết định hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tạm trữ cũng sẽ chờ kết luận của Chính phủ.

Nhận xét về chương trình tạm trữ, Phó Chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy cho biết, rút kinh nghiệm từ những đợt tạm trữ trước, mà gần nhất là tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân bị đánh giá là không hỗ trợ được cho nông dân, VFA đề nghị Bộ NN&PTNT nếu thấy tạm trữ có lợi thì đề nghị Chính Phủ ra quyết định, hiệp hội chỉ là người thực hiện.

Vụ hè thu là vụ sản xuất lúa hàng hóa lớn thứ 2 trong năm, sau vụ đông xuân. Theo Cục Trồng trọt, xuống giống vụ hè thu đến ngày 20-6 đạt 1,64 triệu hec ta, sẽ cung ứng khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương, hiện nay giá lúa gạo đang xuống rất thấp, như Tiền Giang giá mua lúa tươi trung bình chỉ từ 4.100 - 4.200 đồng/kg và 4.500 đồng/kg đối với giống IR50404, khó đảm bảo lãi cho người trồng lúa.

VFA cho biết tính đến ngày 20-6, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,7 triệu tấn gạo với giá trị 1,33 tỉ đô la Mỹ, giảm 20% về số lượng và 23% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện lượng tồn kho còn khá lớn, và theo tính toán của hiệp hội, đến hết tháng 6 có thể xuất khoảng 3,3 triệu tấn, cả năm khoảng 6,5 - 7 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khó khăn do có sự cạnh tranh khốc liệt từ Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

 (KTSG)

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn