Thị trường phân bón thế giới chịu tác động của việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón và giảm mạnh nguồn cung đã tiếp tục tăng cao trên thị trường giao dịch. Trong 5 tháng đầu năm, giá phân urê liên tục có chiều hướng tăng, giá urê có nơi đã tăng lên 650 USD/tấn, trong khi mức giá cao nhất của 5 tháng đầu năm 2007 chỉ là 330 USD/tấn. Do giá dầu thô tăng cao và nhu cầu nhập khẩu phân bón tăng, riêng Ấn Độ cần nhập khoảng 1-1,2 triệu tấn trong tháng 6 và tháng 7 nên khả năng giá phân bón urê sẽ tăng nhẹ.

Thị trường phân bón trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới và chịu ảnh hưởng của việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón. Để kiềm chế tốc độ tăng giá phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có định hướng cho kế hoạch sản xuất và nhập khẩu phân bón từ nay tới 2010; trong đó đẩy mạnh phát triển sản xuất phân hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất NPK chất lượng cao thay thế DAP nhập khẩu, đặc biệt là ngừng xuất khẩu cũng như tạm nhập tái xuất đối với tất cả các loại phân bón. Bên cạnh đó, Tổng công ty Hoá Chất Việt Nam cũng chỉ đạo các nhà máy sản phân bón tăng sản lượng và tiến độ sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng phân bón cho nông dân. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án phân bón lớn như nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng, đạm than Ninh Bình, mở rộng đạm Hà Bắc, supe lân tại Lào Cai. Theo tính toán, mỗi tấn Urea sản xuất trong nước sẽ giảm được cước vận chuyển, phí bảo hiểm và thủ tục hải quan... nên giá thành sẽ thấp hơn so với hàng nhập khẩu từ 110-120 USD/tấn.

Theo PetroVietnam, từ nay đến cuối năm, nhu cầu phân đạm trên thị trường sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo lên tới 950.000 tấn, trong khi khả năng cung ứng của tập đoàn là 660.000 tấn.

Nguồn cung ứng phân đạm của PetroVietnam ra thị trường do Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc đảm nhận. Từ nay đến cuối năm, hai nhà máy này chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 660.000 tấn, trong đó Đạm Phú Mỹ 540.000 tấn và Đạm Hà Bắc 120.000 tấn; số thiếu hụt là 290.000 tấn sẽ được nhập khẩu.

Vì nguồn cung phân bón cho thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch Trung Quốc đã bị ngưng lại do Chính phủ Trung Quốc tăng thuế phân bón từ 35% lên 135%. Nên nguồn cung phân bón cho thị trường nội địa hiện nay là sản xuất trong nước và nhập khẩu chính ngạch.

Theo số liệu chính thức của TCông ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo), nguồn hàng trong nước phục vụ cho mùa vụ tới cuối quí 2 đã tạm đủ, dự báo thị trường phân đạm trên cả nước từ nay đến hết quí 2 sẽ ổn định. Vụ hè thu năm 2008, nhu cầu phân bón trên cả nước vào khoảng 500.000 tấn và Petro Vietnam giao nhiệm vụ cho Đạm Phú Mỹ phải ổn định sản xuất và giữ giá bán thấp hơn giá nhập khẩu 10-15%.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2008, hầu hết giá các loại nông sản và vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều liên tục tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu… Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này tăng đột biến từ 2 đến 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, phân bón là một mặt hàng có mức nhập khẩu tăng vọt so cùng kỳ năm trước. Ước tính, tổng lượng phân bón nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2008 đã đạt trên 2 triệu tấn, tăng tới 40,4% so cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, một số loại phân bón nhập khẩu có thể giảm về lượng (tuy không nhiều) nhưng giá trị nhập khẩu lại tăng mạnh: phân urê nhập về khoảng 536 ngàn tấn, tăng hơn 2 lần về lượng và gần 3 lần về giá trị; DAP giảm 6% về lượng nhưng tăng gần 2,3 lần giá trị, NPK tăng 67% về lượng nhưng tăng 3,3 lần về giá trị.

Nguyên nhân tăng giá trị nhập khẩu phân bón chủ yếu là do ảnh hưởng của yếu tố tăng giá nhập khẩu.

Thị trường nhập khẩu phân bón chủ yếu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn là Trung Quốc (chiếm 55,7% tổng lượng nhập), tiếp đến là Liên bang Nga (8,8%)…

Hàng năm Việt Nam cần từ 7,5 - 8 triệu tấn phân bón các loại nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 50%, số còn lại phải nhập khẩu (trong đó phân DAP, kali, SA phải nhập khẩu 100%, urê nhập khẩu khoảng 50%). Theo báo cáo của ngành Hải quan, từ đầu năm 2008 các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 100.000 tấn phân bón các loại, gây thiếu hụt và đẩy giá bán phân bón trong nước lên cao.

Mới đây, Tập đoàn dầu khí và Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng Urea, DAP lên 4-% và tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu 2 loại phân bón này như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng kéo dài thời gian tới hết tháng 7/2008.

Mặc dù phân bón là một trong 10 mặt hàng chiến lược không được phép tăng giá cho đến hết tháng 6, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát nhưng với giá phân bón các loại trên thị trường thế đã tăng ở mức kỷ lục trong vòng 35 năm qua cùng với những diễn biến trên thị trường phân bón Trung Quốc đã tác động trực tiếp đến thị trường phân bón trong nước. Dự báo, đến quý II/2008 giá phân bón trong nước vẫn trong xu hướng tăng nhẹ.

Nguồn: Vinanet