Nhiều ngành hàng tăng tốc
6 tháng đầu năm nay, dệt may là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong top đầu cả nước với hơn 16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, ngành dệt may đã có tín hiệu tích cực hơn, số lượng đơn hàng nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Hầu hết doanh nghiệp may trong tập đoàn đã có đơn hàng đến tháng 9, 10 và đang đàm phán cho những giai đoạn tiếp theo. Tuy vậy, điểm mấu chốt là giá đơn hàng không tăng. Doanh nghiệp làm với giá rất thấp, tương đương mặt bằng chung của giá năm 2023.
Trên cơ sở tín hiệu đơn hàng của ngành may, các tín hiệu của ngành sợi, dệt nhuộm, ông Hiếu dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2023.
Tương tự, đối với ngành gỗ, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu chính là yếu tố giúp hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Hoa Kỳ, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, giảm 2,2%; Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD, giảm 1,4%...
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Xung đột địa chính trị tiếp tục căng thẳng đẩy giá cước vận tải lên cao. Hơn nữa, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ và các thị trường trong khối EU vẫn tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Cụ thể, các quy định về phòng, chống suy thoái rừng sẽ được châu Âu áp dụng từ cuối năm 2024; thị trường Hoa Kỳ áp quy định về chống bán phá giá, điều tra tủ bếp…
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương dự báo, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (tháng 4/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu góp phần thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm 2024 tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Chủ động đối mặt với thách thức
Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động ngoại thương trong 6 tháng đầu năm còn có một điểm đáng chú ý là vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao, dù thời điểm tháng 5-6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển. Một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.
Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Để tăng tốc xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh ngiệp xuất nhập khẩu...