Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM (NN-PTNT), trong gần 10 triệu đô la Mỹ thu về từ xuất khẩu sinh vật cảnh (hoa lan, cá cảnh...) năm 2013 có khoảng 7 triệu đô la Mỹ là từ cá cảnh.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 triệu đô la vào năm 2020, Sở NN-PTNT TPHCM sẽ chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học và sinh học hiện đại vào việc chọn tạo giống cây con với trình độ tương đương các nước trong khu vực.

Đây là lý do để vào đầu tháng 1-2014 , Sở NN-PTNT TPHCM sẽ khánh thành một trung tâm nuôi cấy mô tế bào thực vật và giao Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM quản lý. Mục tiêu là tạo ra những giống hoa lan có màu đẹp cung cấp cho thị trường và xuất khẩu thông qua nuôi cấy mô,

Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề, giúp người nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, UBND thành phố đã chấp nhận đề án đưa nông dân đi đào tạo nghề ở các nước có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao như Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Maylaisia…

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TPHCM, cơ quan được giao thực hiện đề án, việc đưa nông dân đi nước ngoài không chỉ là đi để học tập kỹ thuật mà còn tập mô hình quản lý, phát triển, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mà vốn dĩ nông dân TPHCM lâu nay chỉ quen với cách làm ăn nhỏ.

Theo Hội Nông dân TPHCM, việc đưa nông dân đi học nước ngoài là một phần trong mục tiêu mà TPHCM hướng đến vào năm 2020 là giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ đạt 500 triệu đồng/héc ta/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2012. Năm 2012, một héc ta đất nông nghiệp trung bình mỗi năm mang về cho người nông dân 239 triệu đồng.

(Theo TBKTSG)